Chinh phục đỉnh Phan Xi Păng
Từ đây, có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cả thế giới mây, gió và cây xanh bao la, ngút ngàn. Cùng với Vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, "Nóc nhà Đông Dương" đang được nằm trong danh sách bình chọn kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Theo sử sách viết lại, 600 triệu năm về trước, khắp vùng Tây Bắc Việt Nam còn chìm sâu dưới sóng biển, sau 3 kỳ vận động tạo sơn, mãi đến thời kỳ tân kiến tạo cách ngày nay trên 100 triệu năm Hoàng Liên đột ngột nhô thành một dãy núi trùng điệp. Du khách dù lần đầu hay những lần tiếp sau đến dãy núi Hoàng Liên dài vô tận ai cũng muốn một lần được chinh phục đỉnh Phan Xi Păng cao ngất giữa trời mây.
Ngay cả người Mông, Dao, Giáy... sống lâu đời tại các bản làng Tả Van, Cát Cát, Sín Chải chẳng mấy ai phát hoang, làm nương rẫy vượt quá độ cao 2.200m so với mặt nước biển. Cho đến lúc này Phan Xi Păng vẫn là đích đến của những ai có ý chí, niềm đam mê chinh phục, khám phá.
Hiện nay, chưa có tài liệu nào công bố ai là người đầu tiên đặt chân đến đỉnh Phan Xi Păng. Tuy nhiên vào năm 1924, trên những ấn phẩm quảng bá chương trình du lịch Sa Pa, có giới thiệu tour leo núi Phan Xi Păng. Đến năm 1960, một đoàn chuyên gia Ba Lan, sau chuyến khảo sát địa chất, đã xây dựng trên đỉnh trụ hình kim tự tháp làm cột mốc. Đất nước thống nhất, ngành du lịch bắt đầu mở mang và thời điểm năm 1984 được xem là sự kiện đáng nhớ đối với người làm du lịch tại Sa Pa khi đón đoàn vận động viên hỗn hợp Nga - Đức tổ chức cuộc thi chinh phục Phan Xi Păng. Nhằm kỷ niệm chuyến đi, người ta không quên để lại hộp hình chóp nhọn bằng kim loại, thay thế trụ bê tông bị hủy hoại theo thời gian, mưa nắng. Sự kiện ấy đã khởi đầu, làm tiền đề cho các tour khám phá, chinh phục Phan Xi Păng sau này.
Từ trung tâm thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), đi theo hướng Bắc, ngược phía Thác Bạc khoảng 15 km là đến cửa rừng Trạm Tôn, nơi có độ cao 1.700m. Từ đây bắt đầu xuất phát chinh phục đỉnh Phan Xi Păng. Cuộc hành trình khám phá chủ yếu men theo khe suối cạn và dốc dựng đứng. Nếu như dưới chân núi là những cây gạo, cây mít, cây cơi với mật độ khá dày tạo nên những địa danh Cốc Lếu (Gốc Gạo), Cốc San (Gốc Mít)… thì lên đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700m trở lên là tầng cây hạt trần như pơ-mu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao đến 50-60m, tuổi đời tới vài trăm năm. Pơ-mu (ngọc am) được mệnh danh là mỏ vàng của Lào Cai. Bên cạnh pơ-mu, còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như lãnh sam, thiết sam, liễu sam, kim sam, thông đỏ, hoàng đàn… Các cây lá kim ken dày với cây gỗ nhỏ trụi, thân luôn sũng nước vì càng lên núi cao thì càng hay mưa, có năm cả Phan Xi Păng mưa suốt một tháng liền. Xen lẫn với rừng lá kim là các loại hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh rực rỡ.
Hầu như bốn mùa, cả Sa Pa đều ngập tràn trong muôn sắc hoa, màu hoa lay-ơn, thược dược, bôgônha, estcola… là những thứ hoa dưới đồng bằng hiếm có. Riêng hoa đỗ quyên có tới bốn chi với hai chục loài khác nhau. Có nơi đỗ quyên chi chít, rực rỡ cả núi rừng. Ở nước ta có 111 chi phong lan và 643 loài thì riêng Phan Xi Păng có tới 330 loài. Chẳng thế mà người ta bảo nhau, chinh phục Phan Xi Păng không chỉ để thử cảm giác mạo hiểm mà còn để chiêm ngưỡng cả một hệ thảm động - thực vật tới hàng ngàn loài đặc hữu.
Lên cao 2.400m, gió mây hoà quyện với cây rừng. Chẳng thế mà có những lúc tưởng mình xoè tay ra là có thể nắm được mây. Cũng lạ, lên cao thêm 400m nữa, mây mù bỗng tan biến, bầu trời quang đãng trong xanh. Người ta có cảm giác dường như gió ở đây thổi không lúc nào ngớt. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25 - 30cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này được gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên… Đất xương xẩu trơ đá, gió thổi không ngớt, khí hậu lạnh giá, nhưng những cây hoàng liên vẫn vươn lên miệt mài. Trên điểm cao 2.963m có cột mốc đánh dấu năm 1905 người Pháp đã tới chinh phục đỉnh cao. Lên cao nữa là một khối đá khổng lồ, được kê lên bởi những hòn đá nhỏ tựa chiếc bàn. Đỉnh Phan Xi Păng đấy! Tiếng địa phương gọi "Hua-si-pan", nghĩa là phiến đá lớn khổng lồ nằm chênh vênh. Đỉnh Phan Xi Păng cao ngất giữa trời mây được kết cấu bởi những phiến đá như vậy.
Vì thế bạn hãy thử một lần đến để chiêm nghiệm, để thử cảm giác cùng với những đoạn băng qua rừng trúc tới rừng thảo quả, rợn người nghe tiếng vượn kêu, cũng có khi hết hồn với đoạn vượt đá dốc dựng đứng. Sợ hãi là thế nhưng chắc chắn bạn sẽ rất thú vị vì được phóng tầm mắt quan sát sự bao la của đất trời. Điều này giải thích tại sao cuộc hành trình chinh phục đỉnh núi Phan Xi Păng lại là niềm đam mê của nhiều du khách đến thế, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.