Những điều cần biết khi thăm Ai Cập
Ngôn ngữ chính thức ở Ai Cập là tiếng Ả Rập. Tiếng Anh và Pháp là ngôn ngữ thứ hai. Ai Cập sử dụng đồng bảng Ai Cập (EGP). Một đồng EGP xấp xỉ 3.000 đồng Việt Nam.
Ở Ai Cập, một năm có hai mùa đông và hạ. Mùa hạ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, mùa đông từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Ngày Tết đúng vào ngày bắt đầu có mùa gió trên sa mạc, bắt đầu của những ngày nóng khô mùa hạ.
Món ăn truyền thống của người Ai Cập trong ngày tết là cá, tỏi, rau sống và trứng gà.
Người Ai Cập cổ coi cá là một món ăn thánh thiện và may mắn. Trong lễ tết mà ăn bữa cá thì cả nhà sẽ bình an, hạnh phúc, mọi sự sẽ được như ý nguyện. Tỏi được xem là có thể đuổi trừ nạn. Trong ngày lễ tết, người Ai Cập treo tỏi ở trước cửa hoặc đeo lên cổ trẻ con. Tỏi còn là một quà tặng mang lại một năm bình an may mắn.
Người Ai Cập ăn rau sống với hy vọng cuộc sống luôn xanh tươi và tràn đầy sức sống. Còn trứng gà lại có hẳn truyền thuyết riêng. Người Ai Cập so sánh trứng gà với hình dáng của vũ trụ nên ngày tết ăn trứng gà hoặc tặng trứng gà cho người thân đều tượng trưng cho sự may mắn.
Đa số người Ai Cập theo đạo Hồi. Vì vậy, quan điểm và cách ăn mặc của người Ai Cập rất khắt khe, đặc biệt là với phụ nữ. Du khách nữ không nên mặc váy ngắn khi vào các đền đài, lăng tẩm... Để tỏ lòng tôn trọng và yêu mến đất nước Ai Cập, nhiều du khách muốn được mặc trang phục giống người bản xứ, nhất là các bộ trang phục truyền thống - tuy nhiên ở Ai Cập - đó là một điều cấm kỵ.
Theo luật Hồi giáo, người theo đạo Hồi không được ăn thịt heo và uống rượu. Trong bữa ăn, việc cho thêm gia vị vào thức ăn là không nên vì nó đồng nghĩa với việc chê món ăn không ngon.
Người Ai Cập quan niệm rằng tay trái là tay không sạch sẽ, vì thế bạn nên sử dụng tay phải trong mọi trường hợp hoặc ít ra là phải sử dụng cả hai tay. Bạn không được để ngón cái chỉ lên trên, cũng không được để lộ bàn chân ra, vì đó là cử chỉ xúc phạm người đối diện.