Nguồn gốc của Tết Trung Thu
Ý nghĩa tết Trung Thu
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.
Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.
Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Làm đồ chơi Trung Thu
Đèn ông sao, một đồ chơi trẻ em phổ thông trong lễ rước đèn Tết Trung Thu Trước đây ở miền Bắc, khi còn trong thời kỳ bao cấp, các đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết trung thu rất hiếm, phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng, v.v...cho trẻ em trong gia đình. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như : đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh...Ngày nay, phần lớn đồ chơi ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, các loại mặt nạ được làm bằng nhựa mỏng, không đẹp bằng mặt nạ thời trước.
Múa lân
Múa lân trong Tết Trung Thu thường được tổ chức vào trước tết Trung Thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 14 và 15.
Bày cỗ
Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con bép múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng.
Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai... và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng với cả cây của mình. Nhìn lên mặt trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.
Hát trống quân
Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận tức là hát theo vần, theo ý hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc.
Đèn kéo quân
Sự tích đèn kéo quân Ngày xưa, gần đến dịp tết Trung thu, theo lệnh Vua, dân chũng nô nức thi nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ nhưng không có chiếc đèn nào làm cho Vua vừa ý. Bấy giờ, có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức. Lục Đức mồ côi cha, ăn ở với mẹ rất hiếu thảo. Một hôm nằm mơ, Lục Đức thấy một vị thần râu tóc bạc phơ hiện ra phán rằng: - Ta là Thái Thượng Lãn Quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng ăn ở hiếu thảo với mẹ, vậy ta bày cho ngươi cách làm chiếc đèn dâng Vua. Hôm sau theo lời dặn của Thần, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn. Thời gian qua mau, khi chiếc đèn làm xong là ngày rằm tháng 8 cũng vừa đến. Chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Nhà Vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động nên rất hài lòng. Khi Vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời Thần tâu rằng: Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng quay luôn cũng nhờ ánh đèn soi sáng, thì con người tốt lành cũng nhờ đạo đức. Sáu mặt của chiếc đèn làm bằng giấy tươi sáng biểu hiện những cá tính của con người. Vua truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem.
Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hiện lên sáu màu sắc rực rỡ là hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau. Tất cả những hình nhân trên đèn được làm bằng giấy nhờ sự khéo léo của mẹ con Lục Đức. Vua ban thưởng cho mẹ con chàng rất hậu và phong cho Lục Đức làm Van Hộ Hầu. Từ đó, mối khi đến tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Đức dân chúng đua nhau bắt chước chàng làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ gọi là đèn kéo quân.
Trung Thu ở Huế thường được chuẩn bị từ mấy tháng trước đó. Trẻ em với sự hỗ trợ của người lớn, dồn tiền mua vật liệu để làm đầu lân, mua ống lồ ô để làm đuốc, mua vải để chế biến đuôi lân, trang phục cho thổ địa, Ngộ Không, ... Phần chiếm nhiều tiền nhất có thể là trống, trống càng to thì đoàn lân càng khí thế và oách hơn !
Bọn trẻ thường phải trải qua gần 1 tháng trời ròng rã để liên tục tập múa lân, múa đuôi, múa ông địa và đánh trống. Đến đêm Trung Thu, tất cả thắp đuốc lên đường và bắt đầu ghé từng nhà một để biểu diễn và nhận tiền lì xì hoặc quà từ gia chủ. Các phần thưởng này thường được treo ở một nơi cao để thử thách tài nghệ của các chú lân. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp quá khó khăn để lấy, các cậu bé lém lỉnh sẽ cho thổ địa ra tay đoạt quà ! Những số tiền và phần quà có được sau một mùa Trung Thu không sánh bằng sự rạo rực của mỗi trái tim trẻ thơ khi nghe tiếng trống Trung Thu vang lên trong màn đêm yên tĩnh, những ánh đuốc chen lẫn mùi dầu, tiếng lục lạc liên hồi trên mỗi chiếc đầu lân xuyên trong đêm.. Cảnh tượng quen thuộc trong những đêm trăng rằm là hình ảnh chiếc xích lô chở người đánh trống dẫn đầu, đoàn lân tiến theo sau và sau đó là hàng chục cây đuốc sáng rực chiếu sáng những khuôn mặt lem luốc dầu mỡ nhưng không che dấu nỗi niềm hân hoan trên từng đôi mắt rạng ngời..Và cứ thế, bọn trẻ nối đuôi nhau đi khắp thành phố trong một đêm tưởng chừng như vô tận...