Độc đáo buôn làng Tây Nguyên
Đánh cá bằng ong
Do suối khe hẹp, ngoằn ngoèo, đá gồ ghề, lởm chởm nên bà con các dân tộc Tây Nguyên ở thung sâu, buôn xa, thường đánh bắt cá theo kiểu cổ. Phổ biến nhất là “thuốc” cá bằng các loại lá, rễ cây có chất gây ngộ độc tạm thời. Cá bị “say” lờ đờ, nổi đầu lên, tấp vào bờ, bà con vớt về. Ngoài ra, còn có cách đắp chặn, tát cạn, mờ sục…Trẻ em dùng ná bắn cá nổi. Ban đêm thì dùng đuốc lồ ô, nhựa xà nu, cành ngo…đi soi và chém cá bằng … dao.
Đặc sắc nhất là đánh cá bằng ong vò vẽ. Theo đường ong bay về lúc mặt trời lặn họ tìm đến tổ ong. Ong vò vẽ thường làm tổ ở cành cây, vùng gần nước. Chờ đêm tối mịt, cả đàn ong đã yên giấc, người ta lấy bùn hay đất sét nhão bịt kín lỗ ra vào tổ, rồi lấy dao sắc cắt luôn cành cây có tổ ong. Sau đó, mang đến vũng nước sâu, đã “tăm” trước là có nhiều cá, dìm ngập tổ ong xuống nước! Dùng gậy đầu nhọn chọc vỡ tổ ong. Nước tràn vào, vỡ tổ, cánh ong bị ướt, ong bơi ngoi ngói trên mặt nước.
Mờ sáng, mặt trời lên, sương tan. Các chú cá lớn tỉnh giấc, bơi lên mặt nước đớp móng, kiếm mồi. Thấy ong “ngo ngoe” trên mặt nước, hấp dẫn quá… cá lao vào đớp mồi! Ong “đáp lễ” bằng cú chích đít vào mép, miệng cá! Cọp, beo, trâu, bò… bị ong vò vẽ “đánh” còn gầm rống lên, cong đuôi chạy, huống chi… cá! Bị nọc ong chích nhức nhối, cá bật ngửa bụng ra, lờ đờ trôi xuôi theo dòng nước. Cứ mỗi con ong là một chú cá! Đặc biệt là chỉ toàn cá lớn, loại ăn mồi nổi. Các chú cá con, loại tép riu đâu dám rỉa ong. Bà con ta đứng chờ dưới dòng chảy, dùng vợt vớt cá về!
Cá chua
Bà con ở Tây Nguyên chế biến thức ăn từ cá cũng đơn giản; phổ biến nhất là nướng, nấu canh với các loại rau rừng, lá sắn non, măng; gia vị có muối và ớt. Cá bắt được nhiều, như dùng ong vò vẽ, thì sấy, phơi khô…
Bà con Xê Đăng, Giẻ Triêng… ở Kon Tum, có cách chế biến “cá chua” rất độc đáo, vừa ngon vừa dự trữ được lâu.
Họ thường dùng loại cá niêng, hao hao cá trôi nhưng mình dẹt hơn, rất nhiều ở vùng sông, suối, khe đá. Cạo sạch vảy, bỏ ruột, móc mang, rửa kỹ, cắt khúc nhỏ, phơi ra gió cho ráo nước. Sau đó, trộn đều các khúc cá với muối, ớt rừng, lá ngót rừng (bộ đội thời chống Mỹ gọi là “lá mì chính” - (bột ngọt), thính ngô rang giã mịn. Trút tất cả “hỗn hợp”cá, gia vị… vào ống nứa, lồ ô khô, nút kín chặt… để trên gác bếp. Chỉ vài ngày là cá chua “chín”, có thể ăn được. Càng để lâu, cá chua càng ngon. Miếng cá săn chắc lại, ngấm vị mặn của muối, vị cay của ớt, vị ngọt của lá ngót rừng, mùi thơm của bột thính ngô rang. Cá chua rất hấp dẫn, khó tả cho hết cái ngon độc đáo!