Mít hông - Món ngon của người dân xứ Quảng
Mít non, ngoài việc luộc làm rau chấm mắm cái rất ngon miệng trong những bữa cơm đạm bạc, còn là nguyên liệu làm món rau trộn mít xúc bánh tráng ăn chơi đã trở thành đặc sản của các nhà hàng quán nhậu. Mít già, chế biến thành mít khô, mùa đông tháng giá ghế cơm ăn vừa ngọt vừa bùi. Còn mít chín, làm món mít ngào gói trong mo cau cất nơi gác bếp là thứ “kẹo dẻo” mà trẻ con vô cùng khoái khẩu, ăn hoài không biết chán!
Có rất nhiều món ăn chế biến từ quả mít. Trong đó có món mít hông chế biến khá kỳ công khiến bao người chỉ một lần thưởng thức là nhớ mãi không quên. Nguyên liệu làm mít hông phải là những quả mít già “hú hươm”, nói theo cách nói của người dân xứ Quảng. Sau khi chọn lựa được quả mít già “đúng đô”, dùng dao chuối gọt vỏ, lấy lá ngái chùi mủ sạch sẽ, rồi bổ quả mít ra làm tư để bắt đầu thực hiện các khâu chế biến món mít hông. Cắt cùi, gỡ xơ. Những múi mít già có màu vàng ngà trông rất ngon mắt. Sau đó, dùng dao cau bổ từng múi mít để bóc tách hạt và lớp vỏ lụa bao lấy hạt, nhưng phải làm khéo léo cẩn thận, sao cho múi mít không bị vỡ làm đôi. Bởi múi mít mà vỡ làm đôi thì không thể nào làm món mít hông được. Đem hạt mít luộc chín rồi đổ ra rổ rá cho nguội. Dùng dao xếp têm trầu lột vỏ lụa của từng hạt mít. Công việc đơn giản này đòi hỏi sự kiên trì tỉ mẩn mới có thể làm được. Ai nóng tính, làm nhanh, ắt phải bỏ cuộc dở chừng vì lưỡi dao xếp bén ngọt, mũi dao xếp nhọn hoắc nên dễ bị đứt tay...
Đấy là công việc chế biến thô, không khó lắm. Khâu làm “nhưn” mới quan trọng. Mít hông có ngon, có hội đủ các hương vị thơm, cay, ngọt, bùi, mặn, béo... hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm và “tay nghề” của người chế biến. Thoạt tiên, đem hạt mít đã được lột vỏ cho vào cối giã nát, xong, lấy muôi múc ra thau nhựa hoặc thau nhôm và dùng tay tãi cho tơi ra. Bấy giờ mới trộn các loại gia vị như hồ tiêu bột, mì chính, muối hầm... với tỷ lệ ước lượng theo kinh nghiệm. Công việc này cực kỳ quan trọng, có tính chất quyết định “nhưn” chế biến ăn có vừa miệng hay bị lạt, mùi vị có đậm hay nhạt... Sau khi nhào trộn cho các loại gia vị thấm đều, nhằm tránh trường hợp chỗ có chỗ không, lấy chảo đổ dầu phụng phi hành tỏi rồi cho “nhưn” vào xào độ ba đến năm phút thì nhấc xuống. “Nhưn” nguội, dùng tay viên “nhưn” thành viên to bằng hạt mít rồi cho vào từng múi mít. Mọi việc xong xuôi đâu vào đấy, bấy giờ mới sắp những múi mít vào rổ rá và đem hông cách thủy chừng mười lăm, hai mươi phút là coi như sản phẩm đã làm xong...
Mít hông ăn lúc nóng sốt hay khi để nguội đều ngon. Bởi lúc nóng sốt có cái ngon đặc trưng riêng của nó, đó là các hương vị cùng hòa quyện lan tỏa nơi đầu lưỡi. Mít hông ăn khi nguội khiến người thưởng thức có cảm giác lai rai tận hưởng từng hương vị cay, thơm, ngọt, bùi, mặn, béo... Thông thường, mít hông ăn không cần chấm muối đậu phụng, nếu người chế biến có kinh nghiệm, có “tay nghề” vững vàng, làm “nhưn” ăn vừa miệng. Còn ngược lại, ăn mít hông chấm với muối đậu phụng cũng ngon, chỉ có điều hương vị của nó bị muối đậu phụng lấn át đi ít nhiều. Chế biến kỳ công, song mít hông là món ăn chơi được nhiều người ưa thích. Chính vì thế, tại con hẻm nhỏ nối đường Phan Châu Trinh với đường Phan Đình Phùng, cạnh khách sạn Lộc Tài, ở thành phố Tam Kỳ vẫn có cái quán nhỏ bán mít hông với giá 3.000 đồng một đĩa khoảng 5-6 múi. Và cái quán bình dân ấy luôn có đông thực khách...