Hành trang lữ khách

Thơ mộng Khu du lịch hồ Tiên Sa (Ba Vì)

Cập nhật: 11/09/2008 08:09:27
Số lần đọc: 1985
Trong một ngày cuối tuần đầu thu, nhóm bạn chúng tôi rủ nhau lên Ba Vì- “trung tâm du lịch sinh thái” của thành phố Hà Nội để tìm một chốn nghỉ chân yên ả, thanh bình, xua đi những mệt mỏi sau cả tuần làm việc bận rộn nơi phố thị. Hơn 1 tiếng đồng hồ chạy xe, chúng tôi đã có mặt ở khu du lịch sinh thái Hồ Tiên Sa.

8 giờ sáng, ánh bình minh đã nhô cao dần trên đỉnh núi, chiếu những tia nắng ban mai xuống mặt nước Hồ Tiên Sa tạo ra muôm ngàn vệt sáng lấp lánh. Lúc này, Hồ Tiên Sa mở ra trước mắt chúng tôi một khung cảnh rất đỗi nên thơ, chẳng khác nào một bức tranh thuỷ mặc. Thuê những chiếc thuyền nhỏ, nhóm chúng tôi rủ nhau bơi ra hồ. Dưới làn nước trong xanh, chúng tôi thoả sức phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn bức tranh sống động của hồ, của núi đồi vùng núi Tản. Quanh hồ, chúng tôi bắt gặp từng đàn chim trời xải cánh bay. Trời càng về trưa, nước hồ càng như trong xanh hơn soi bóng trời mây. Trong không gian thanh bình, yên tĩnh của rừng, của hồ, được thỏa sức vui chơi, lắng nghe những âm thanh của chim, của thú rừng khiến tâm hồn mỗi người chúng tôi như rộng mở ra, hòa mình với thiên nhiên. Tương truyền rằng, Hồ Tiên Sa gắn với truyền thuyết tiên nữ giáng trần khi xưa. Thuở hồng hoang, các nàng tiên nữ trên trời thường chốn Ngọc Hoàng xuống đây tắm mát, giỡn vầy. Mải vui, đến khi trời tối vội vã bay về trời đã đánh rơi chiếc khăn choàng. Chiếc khăn đó được ví như những đám mây bồng bềnh trôi trên đỉnh non Tản không bao giờ mất, còn hồ nước nơi các tiên nữ thường xuống tắm chính là Hồ Tiên Sa ngày nay. 

 

Toàn bộ khu du lịch Hồ Tiên Sa rộng 150 ha trong đó có 120 ha là rừng nằm bao quanh hồ nước lớn quanh năm trong xanh, tạo ra cho Khu du lịch một vùng tiểu khí hậu ôn đới trong lành, mát mẻ. Tận dụng được những lợi thế về tự nhiên, năm 1996, Công ty du lịch Thương mại Cường Thịnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông và các hạng mục công trình nhà nghỉ, vui chơi giải trí, biến nơi đây thành một địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn. Để vẻ đẹp tự nhiên và nhân tạo hòa quyện với nhau, nhà đầu tư đã xây dựng các công trình trong khu du lịch theo lối kiến trúc truyền thống phương Đông: Cổng Ngũ phúc, cầu Thuận thiên, lầu Liên Hoa, khách sạn Viên Sơn… Từ cách bài trí hài hoà của người làm du lịch nên nét kiến trúc truyền thống thể hiện qua những mái ngói đỏ tươi, những đầu đao cong vút nổi lên giữa màu xanh của cây lá, mây trời tạo nên những hình ảnh nhiều màu sắc giống như một bức tranh thuỷ mạc, làm say lòng du khách. Với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn năm 2003, Khu du lịch sinh thái Hồ Tiên Sa đã hoàn thành những giai đoạn đầu tiên của dự án và chính thức mở cửa phục vụ du khách tới tham quan. 

 

Không chỉ thích hợp cho dạo chơi, ngắm cảnh, khu du lịch Hồ Tiên Sa còn có nhiều loại hình giải trí hấp dẫn du khách, đáng chú ý là thú vui câu cá. Theo như lời những người trông coi hồ thì hồ này khá nhiều cá trôi, trắm, chép, mè, rô phi, và cá chim. Do hồ lớn, và sâu nên dưới lòng hồ có rất nhiều cá to. Có những hôm, khách du lịch đã câu được cá lớn nặng tới 9-10 kg. Ngoài ra, tùy sở thích, du khách có thể lựa chọn các loại hình du lịch khác nhau như tắm thác, leo núi, vui đùa với đàn khỉ đã được thuần dưỡng hay tìm cảm giác mạnh trong công viên với khu trượt nước 9 làn hoặc tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, tennit. Sau khi vui chơi, du khách được lựa chọn các món ăn dân tộc trong bầu không khí trong lành giữa chốn tuyền lâm. Nhằm giữ chân du khách nghỉ lại lâu hơn, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú phục vụ nghỉ dưỡng dài ngày cho du khách, Công ty Du lịch Thương mại Cường Thịnh cũng đang tiếp tục nâng cấp đường giao thông quanh khu du lịch và hội trường 500 chỗ, hướng tới đón khách du lịch hội nghị, hội thảo. Với sức hấp dẫn về vẻ đẹp tự nhiên của mình nên mỗi năm, khu du lịch Hồ Tiên Sa đã đón hàng vạn lượt khách gần xa tới tham quan, nghỉ mát, nhất là vào mùa hè.

 

Chia tay khu du lịch khi ánh nắng chiều dần tắt, du khách không chỉ mang theo về những kỷ niệm đẹp của chuyến đi mà còn có thể lựa chọn mang theo rất nhiều thứ quà là sản vật dung dị, mộc mạc của những người nông dân vùng đồi núi Ba Vì./.

Nguồn: HNM

Cùng chuyên mục