Sắc màu vùng cao
Bộ trang phục truyền thống của mỗi dân tộc có kiểu dáng, màu sắc và cách trang trí hoa văn khác nhau. Nếu nhưtrang phục của dân tộc Tày, một số nhóm Nùng… khá giảndị về kiểu dáng, màu sắc thì trang phục đồng bào Lô Lô, Dao… lại cực kỳ phong phú về hoa văn cũng như cách tạo dáng. Với sắc chàm làm chủ đạo, trang phục của các dân tộc Tày, Nùng, Giáy mang dáng vẻ dịu dàng, đằm thắm khi kết hợp áo dài năm thân hoặc áo ngắn với quần. Ngoài áo, các cô, các bà thường thắt lưng bằng vải lanh hay đũi màu xanh, đỏ. Cùng với đó là bộ trang sức bằng bạc sáng láp lánh nơi cổ áo, bên hông… khiến cho bộ trang phục của đồng bào nền nã mà không kém phần trang trọng.
Bên cạnh màu chàm đặc trưng của người dân vùng núi phía Bắc, trang phục của người Lô Lô, Pà Thẻn, Dao đỏ… lại nổi bật với những gam màu nóng. Màu đỏ trên trang phục của phụ nữ Pà Thẻn được ví như những con chim lửa. Sắc đỏ rực được lặp đi lặp lại trên bộ nữ phục của dân tộc này, từ khăn đội đầu, áo, váy đến những tua vải trang trí… Cũng với sắc đỏ như mặt trời ấy, trang phục nữ giới Dao Đỏ cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai một lần chiêm ngưỡng. Trên áo hoặc khăn của họ có những chùm hoa văn bằng len đỏ rực rỡ, phía trong là những đường chỉ viền, chỉ thêu ẩn hiện với các hình quả trám, hình soắn ốc. Phụ nữ thường đội khăn vải đỏ, áo dài ngang ống chân, cổ áo và nẹp áo được thêu hoa văn với nhiều màu sắc rực rỡ.
Cũng là sắc nóng nhưng bộ trang phục của đồng bào Lô Lô lại có độ trầm hơn bởi cách phối màu, sự kết hợp của nhiều loại hình thêu thùa công phu. Các nhà nghiên cứu đã phải thốt lên rằng “Thật khó có thể so sánh y phục của họ với các dân tộc khác sống trên đất nước ta bởi sự cầu kỳ và rực rỡ của nó”. Trên áo, váy hay quần, khăn đội đầu, thắt lưng, tấm pù giáo … đều được trang trí những mô típ hoa văn hình vuông, hình tam giác, hình quả trám... Chỉ riêng tấm khăn cuốn đầu của người phụ nữ Lô Lô đã cho ta thấy sự cầu kỳ, khiếu thẩm mỹ cao của dân tộc này. Trên nền chàm xanh thẫm là những hoa văn được tạo nên bởi kỹ thuật nhuộm,kỹ thuật thêu tay, kỹ thuật ghép vải màu, đính cườm, đính tua vải… Tất cả đều được phối hợp một cách hài hoà, tinh tế.
Vẫn là sắc màu rực rỡ nhưng bộ trang phục của nữ giới dân tộc Mông lại có phần nhẹ nhàng hơn. Thay vì những mảng hoa văn dày đặc của trang phục Lô Lô, trang phục nữ giới Mông lại sử dụng những mảng vải màu tươi sáng, có xu hướng bắt sáng như gấm, nhung… Trên bộ trang phục của họ, các mô típ hoa văn được bố trí tập trung vào các vị trí như cổ áo, tay áo, thắt lưng… Phụ nữ Mông mặc áo cánh trắng ở trong, áo xẻ ngực không cúc ở ngoài, kết hợp với váy xếp ly. Với dân tộc này, sự phong phú ở dáng điệu, hoa văn còn thể hiện ở các nhóm Mông khác nhau. Chính vì vậy, nhìn vào trang phục người ta có thể phân biệt được các nhóm Mông khác nhau. Cũng giống như các dân tộc sinh sống ở vùng cao núi đá, người phụ nữ Mông có xu hướng ưa thích những bộ trang phục có sắc màu tươi sáng.
Trên cùng một địa bàn cư trú, trang phục của người Pu Péo cũng là một điểm nhấn trên cao nguyên đá Đồng Văn. Chiếc váy xếp màu đen, chiếc áo xẻ nách ở bên phải có viền vải màu vắt chéo sang bên sườn. Trên cổ áo, gấu áo được trang trí những dải hoa văn hình quả trám xen lẫn các hoa văn hình học. Có thể nói, hoạ tiết hoa văn được sử dụng trong trang phục nữ giới Pu Péo dù ít nhưng đã tạo được hiệu quả thẩm mỹ nhất định.
Dù kiểu dáng, màu sắc đậm nhạt khác nhau những đa phần trang phục truyền thống các dân tộc ở Hà Giang, thể hiện tập trung ở trang phục nữ giới đó là đều được trang trí hoa văn bằng cách các kỹ thuật như thêu tay, ghép vải, đính hạt, quả bông… Dù mặc kết hợp với áo là quần hay là váy thì trang phục nữ giớ các dân tộc thường kết hợp với khăn đội đầu và thắt lưng thêu hoa. Đây cũng là một trong những đặc trưng trang phục thể hiện rõ điều kiện địa hình, khí hậu nơi đồng bào sinh sống. Thực tế đã chứng minh rõ ràng, nếu như ở vùng thấp với những ruộng nước uốn lượn, những quả đồi thấp, khí hậu nóng ẩm đã tạo cho bộ trang phục người Tày, Nùng… có kiểu dáng đơn giản, hoa văn, màu sắc cũng được sử dụng hết sức tiết chế, trong khi đó trang phục của những dân tộc sống trên núi cao với khí hậu lạnh giá như người Dao, Mông, Lô Lô lại rực rỡ sắc màu, kiểu dáng nhiều lớp lang. Người ta trang trí hoa văn lên trang phục vừa để làm đẹp vừa góp phần tăng thêm sự dày dặn cho bộ trang phục, xua đi không khí giá lạnh và nổi bật giữa không gian âm u của núi rừng, cỏ cây. Chính vì vậy, có không ít ý kiến cho rằng trang phục các dân tộc vùng cao thường gây cảm giác dư thừa về màu sắc. Tuy nhiên, khi đặt bộ trang phục của họ trong bối cảnh, môi trường sinh sống của đồng bào ta mới thấy hết được giá trị và sự hợp lý của nó. Một cô gái Mông với váy áo tươi mới sẽ như một đoá hoa lung linh trong sắc trời vùng cao hay cô gái Pà Thẻn rực sáng giữa màu xanh của núi rừng cây lá… chẳng là những bức tranh sinh động về sức sống mãnh liệt của con người nơi đây.
Bộ trang phục truyền thống của mỗi dân tộc đều được tạo nên dưới bàn tay cần cù, khéo léo của các bà các mẹ. Sự tinh tế trong từng đường thêu, nét chỉ đã khiến cho mỗi bộ trang phục của đồng bào như những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Mỗi bộ trang phục còn mang trong nó cả một nền tảng về lối sống của dân tộc đó cũng với những giá trị căn bản của cuộc sống. Cho đến tận bây giờ những cô gái chăm chỉ, khéo tay thêu thùa… vẫn là niềm mong ước của các chàng trai khi đi chọn vợ. Hình ảnh những bà, những mẹ ngồi bên thềm nhà dạy các bé gái từng đường kim, mũi chỉ chẳng khiến ta phải suy ngẫm đến sự tất bật của cuộc sống hôm nay sao.
Ngày hôm nay, nhằm gìn giữ những giá trị truyền thống của các dân tộc, tỉnh ta đã có nhiều tác động tích cực. Khơi dạy nghề thêu thổ cẩm bằng cách mở các lớp thêu thổ cẩm cho chị em phụ nữ, hình thành các tổ nhóm suất thổ cẩm… Với tay nghề khéo léo, khiếu thẩm mỹ tinh tế, các loại mô típ hoa văn phong phú, sử dụng các loại màu nhuộm từ cây cỏ rất có lợi cho sức khoẻ… sản phẩm thổ cẩm Hà Giang đã được khách hàng trong và ngoài nước ưa thích. Đây là một trong những điểm mạnh để thổ cẩm Hà Giang khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, để thổ cẩm Hà Giang phát huy được giá trị của mình, được biết đến nhiều hơn nữa thì việc tìm kiếm thị trường cho các làng nghề là vô cùng cần thiết. Bởi chỉ khi có được đầu ra cho sản phẩm thì mới kích thích được nghề truyền thống này phát triển, góp phần gìn giữ một trong những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào vùng cao Hà Giang.