Hoạt động của ngành

Người Dao ở Sa Pa biến di sản thành sản phẩm du lịch

Cập nhật: 24/04/2014 11:05:40
Số lần đọc: 2058
Cư trú ở một trọng điểm du lịch ở vùng núi cao, nhiều làng người Dao trở thành điểm du lịch hấp dẫn đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người Dao ở Sa Pa phát huy lợi thế di sản văn hoá dân tộc phong phú, giàu bản sắc trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Khơi dậy nghề thủ công truyền thống

 

Người Dao ở Sa Pa có nhiều nghề thủ công truyền thống có giá trị văn hoá cao như nghề chạm khắc bạc, nghề thêu dệt thổ cẩm, nghề rèn đúc, nghề làm đồ mộc... Từ khi du lịch phát triển, người Dao ở Sa Pa đã lựa chọn một số nghề để đầu tư tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm cho du lịch. Điển hình là các sản phẩm nghề thêu dệt - thổ cẩm sản xuất đa dạng, phù hợp với nhu cầu của du khách như: Các sản phẩm làm đệm, gối, túi đeo điện thoại di động, ví, mũ, túi xách tay, ba lô du lịch...

Để phát triển nghề thêu dệt - thổ cẩm, Hội phụ nữ các xã Tả Phìn, Suối Thầu, Nậm Cang đã tổ chức các câu lạc bộ sản xuất thổ cẩm với hàng trăm hội viên tham gia. Các câu lạc bộ này được các tổ chức phi chính phủ tư vấn về mẫu mã sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm bước đầu. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn, tổ chức lớp dạy nghề miễn phí cho người dân. Nhờ vậy mỗi người tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch đều có thu nhập ổn định. Bình quân mỗi người thu nhập từ 300.000 - 500.000đ/tháng.

 

Trong nghề chạm khắc bạc cũng vậy, người Dao sản xuất đa dạng hoá các sản phẩm như nhẫn, vòng tay, sợi dây chuyền bạc, các hình kỷ niệm bằng bạc... Đồng thời một số cơ sở chạm khắc bạc chỉ sản xuất sản phẩm bằng bạc nguyên chất nhằm giữ uy tín của bạc trắng chứ không sản xuất các loại sản phẩm bằng nhôm, hợp kim.

 

Người Dao ở Tả Phìn trước đây có nghề làm trống, nghề đóng đồ mộc ghép các thùng gỗ đựng nước... chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ngày nay, thấy nghề làm mộc có thể sản xuất ra nhiều đồ lưu niệm giá trị nên ông Lý Phủ Kinh ở Tả Phìn đã tập hợp một số nghệ nhân thành lập câu lạc bộ sản xuất các loại trống và đồ lưu niệm theo nhu cầu của du khách và trang trí trong các nhà hàng, khách sạn... Sản phẩm của câu lạc bộ đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường, được bày bán ở nhiều cửa hàng ở TP. Lào Cai và huyện Sa Pa và các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại Hà Nội, TP. Hạ Long.

 

Phát huy giá trị di sản văn hóa

 

Bên cạnh các dịch vụ phục vụ du lịch, người Dao ở Sa Pa còn biết phát huy di sản văn hoá truyền thống tạo thành nhiều sản phẩm và các yếu tố của sản phẩm du lịch. Các thôn bản được chọn làm điểm du lịch đều xây dựng các đội văn nghệ dân gian. Đội văn nghệ xã Tả Phìn đã khai thác các điệu múa chuông, múa kiếm, múa đèn, các điệu nhảy trong lễ “pút tồng”, các điệu nhảy “bát quái” và Đội văn nghệ ở thôn Nậm Cang, xã Nậm Cang lại trích đoạn một số nghi thức độc đáo trong lễ “chải miến”, lễ cấp sắc hoặc sử dụng các làn điệu kèn pí lè… để xây dựng các chương trình văn nghệ phục vụ du khách.

 

Nhờ khai thác các chất liệu dân gian truyền thống nên các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách đều giàu bản sắc và hấp dẫn. Tại các điểm du lịch của người Dao ở Sa pa đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức quảng bá các ngày lễ, ngày hội, các ngày sinh hoạt cộng đồng cho du khách. Các sinh hoạt này đã được các hãng lữ hành xây dựng thành các sản phẩm du lịch chào bán cho khách quốc tế. Đặc biệt du khách rất thích xem các cảnh hát giao duyên, các lễ cưới, lễ “pút tồng”... của người Dao.

 

Du lịch cộng đồng đã hình thành và phát triển, mỗi năm đều đón nhiều du khách, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Các điểm du lịch cộng đồng người Dao ở Sa Pa không chỉ coi trọng chất liệu truyền thống để xây dựng các sản phẩm du lịch, mà quan trọng hơn là thực hành các di sản văn hoá ngay tại cộng đồng theo hướng phát triển du lịch bền vững. Bản sắc văn hoá dân tộc trở thành nguồn lực cho du lịch cộng đồng người Dao phát triển. Ngược lại, du lịch càng phát triển thì càng khuyến khích người dân bảo tồn được di sản văn hoá truyền thống của dân tộc mình./.

 

Nguồn: langvietonline.vn

Cùng chuyên mục