Hoạt động của ngành

Nam Định: Bảo tồn, tôn tạo và phát triển văn hoá là động lực để xây dựng và phát triển kinh tế

Cập nhật: 03/10/2008 14:50:22
Số lần đọc: 2650
Phát huy truyền thống của vùng “Địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích của vương triều Trần- một trong những triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam xưa, Nam Định luôn chú trọng đầu tư, tôn tạo và phát triển hệ thống văn hoá, di tích lịch sử... coi đây là tiền đề và động lực để xây dựng và phát triển kinh tế.

Nam Định hiện có 1.655 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có hơn 200 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hoá và kiến trúc có sức thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế: Quần thể di tích đền Trần, chùa Tháp, phủ Giầy, chùa Cổ Lễ, chùa Keo, cầu Ngói, chùa Lương…

Nam Định còn có các di tích lịch sử văn hoá gắn liền với các danh nhân như Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Trạng lường Lương Thế Vinh, nhà thơ trào phúng Tú Xương, nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính… có trên 70 làng nghề với các ngành nghề và sản phẩm truyền thống, nổi tiếng, được nhiều người biết đến: làng nghề chạm, khảm gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, mây tre đan Vĩnh Hào, dệt Cự Trữ, ươm tơ Cổ Chất, trồng hoa cây cảnh Vị Khê… Đây là những di sản văn hoá hết sức quan trọng và phong phú,tạo nên diện mạo đặc trưng của vùng văn hoá nơi cửa biển, đồng thời cũng là cơ sở, là nguồn chính để phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ.

Là vùng đất có vốn văn hoá truyền thống tín ngưỡng, mang đậm bản sắc nền văn minh lúa nước sông Hồng, là cái nôi của nhiều hoạt động văn hoá, thể thao dân gian truyền thống, những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, Nam Định đã có nhiều chủ trương đúng đắn về bảo tồn và phát huy di sản văn hoá, quan tâm trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử, nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, gắn với các nghi lễ tín ngưỡng tâm linh, các hoạt động văn hoá thể thao dân gian được khôi phục, tổ chức đi vào nề nếp, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến với các địa chỉ văn hoá của tỉnh. Trong tổng số hơn triệu lượt khách du lịch đến tham quan mỗi năm thì lượng khách đến các điểm du lịch văn hoá, tham dự các lễ hội chiếm tới 2/3. Đặc biệt là trong lễ hội chợ Viềng Xuân và lễ hội khai Ấn đầu năm tổ chức vào ngày mùng 8 và 14 tháng giêng ở đền Trần.

Xác định văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... là cơ sở, là động lực, tạo đà để phát triển triển nhanh- mạnh và bền vững kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch, dịch vụ; trong những năm qua tỉnh cũng đã đầu tư nhiều tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng; tăng cường công tác quản lý, tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hoá thể thao; chuẩn hoá các nội dung thuyết minh, đồng thời quan tâm đào tạo đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các cảnh quan danh thắng… để ngày càng nhiều người biết và tìm đến với Nam Định, thưởng thức, khám phá và đắm mình với vùng quê trù phú, hữu tình.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục