Ninh Bình: Nâng cao tính chuyên nghiệp cho các cơ sở lưu trú
Nếu năm 2009, toàn tỉnh Ninh Bình chỉ có 108 cơ sở lưu trú thì đến nay đã có 279 cơ sở lưu trú, tăng 2,58 lần so với năm 2009. Các cơ sở lưu trú du lịch đã góp phần tạo dựng ấn tượng và hình ảnh đẹp về du lịch Ninh Bình trong lòng du khách. Tuy nhiên, để trở thành một tỉnh du lịch đòi hỏi các hoạt động du lịch, trong đó có các cơ sở lưu trú phải mang tính đồng bộ, chuyên nghiệp. Do đó, vai trò quản lý của Nhà nước phải được đặt lên hàng đầu để tạo hành lang cho các hoạt động và định hướng phát triển cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú trên địa bàn.
Phát triển nhanh về số lượng
Có thể khẳng định, từ năm 2009 đến nay du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển rất nhanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi hình ảnh Ninh Bình trong nhận thức của bạn bè trong nước và quốc tế. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm đầu tư lớn. Tỉnh đã có chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch nói chung và hệ thống cơ sở lưu trú nói riêng. Theo thống kê của ngành du lịch, năm 2009, toàn tỉnh có 108 cơ sở lưu trú với 1.681 phòng nghỉ thì đến nay, toàn tỉnh đã có 279 cơ sở lưu trú với 4.285 phòng nghỉ. Như vậy, tổng số cơ sở lưu trú du lịch đã tăng 2,58 lần so với năm 2009. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển mạnh đã giải quyết việc làm cho 2.234 lao động trên địa bàn có công việc và thu nhập ổn định từ 2,5-5 triệu đồng/người/tháng. Nhìn chung, các cơ sở lưu trú đã tích cực nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Hệ thống các cơ sở lưu trú ở Ninh Bình đã và đang phát triển theo xu hướng chung của thế giới, hướng đến hội nhập quốc tế và cạnh tranh được với các cơ sở lưu trú lớn của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Thực tế trong những năm qua, nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn đã khẳng định được thương hiệu khi tham gia phục vụ thành công các sự kiện lớn của Quốc gia và quốc tế như: Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững; Giải bóng chuyền quốc tế VTV cup, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008, 2014…Qua đó, các cơ sở lưu trú du lịch đã góp phần tạo dựng ấn tượng và hình ảnh đẹp về du lịch Ninh Bình trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Ông Hoàng Thanh Phong, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Qua theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh cho thấy hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch đã thực hiện niêm yết công khai về số lượng, chất lượng phòng ngủ, nội quy, quy chế, giá cả hàng hóa dịch vụ trong cơ sở lưu trú để khách du lịch xem xét và lựa chọn. Dịch vụ du lịch trong các cơ sở lưu trú được chủ cơ sở quan tâm, nhất là các dịch vụ bổ sung ngày một phong phú, tiện lợi đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, kể cả khách quốc tế có khả năng chi trả cao.
Tính chuyên nghiệp chưa cao
Thực hiện Luật Du lịch về kinh doanh cơ sở lưu trú, đến nay toàn tỉnh đã có 141 cơ sở lưu trú du lịch được thẩm định và công nhận loại hạng với 2.712 phòng ngủ, chiếm 63,29% tổng số phòng ngủ của các cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó có 9 khách sạn 1 sao với 232 phòng ngủ; 26 khách sạn 2 sao với 845 phòng ngủ; 1 khách sạn 3 sao với 102 phòng ngủ; 2 khách sạn 4 sao với 237 phòng ngủ và 102 cơ sở lưu trú đạt chuẩn với 1.043 phòng ngủ. Cũng theo Luật Du lịch hiện hành, trong vòng 3 tháng đi vào hoạt động kinh doanh lưu trú, chủ cơ sở phải đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục công nhận loại hạng. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh vẫn còn 138 cơ sở chưa làm thủ tục thẩm định mặc dù hầu hết các cơ sở này đã đi vào hoạt động thời gian khá dài.
Một điểm yếu của các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn là các cơ sở lưu trú du lịch thứ hạng cao (từ 3-5 sao) số lượng rất ít, chiếm 1,4% cơ sở lưu trú du lịch và 11,9% số buồng. Số lượng cơ sở lưu trú có quy mô nhỏ chiếm chủ yếu, trong đó có 80% cơ sở lưu trú du lịch dưới 20 phòng; cơ sở lưu trú có 50 phòng trở lên có 11 cơ sở, chiếm 3,9%. Ông Hoàng Thanh Phong đánh giá: Các cơ sở lưu trú hiện vẫn chưa hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, chủ yếu là chủ đầu tư vừa là nhà quản lý, vừa là người điều hành. Nhiều chủ cơ sở lưu trú chưa qua lớp bồi dưỡng quản lý cơ sở lưu trú du lịch. Hầu hết các cơ sở nhỏ lẻ đều thiếu tính chuyên nghiệp trong thiết kế, bài trí, trang trí, chất lượng phục vụ còn yếu, chưa quan tâm đến đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ lao động trong cơ sở. Ngay cả đối với các cơ sở lưu trú được xếp hạng cũng có những bất cập. Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn một số cơ sở lưu trú không treo quyết định công nhận loại hạng, không gắn biển hạng, không niêm yết công khai giá bán hàng dịch vụ, nội quy, quy chế của cơ sở lưu trú du lịch bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại khu vực quầy lễ tân. Không duy trì thường xuyên chất lượng phục vụ theo đúng loại hạng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Theo bà Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cơ sở lưu trú trong tỉnh chưa quan tâm thực hiện nghiêm túc việc đăng ký xếp loại, hạng với Sở. Về khách quan, các quy định của Nhà nước luôn có sự điều chỉnh, vì vậy các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn chưa theo kịp. Trước kia khách sạn được công nhận là khách sạn đạt tiêu chuẩn, nay theo quy định mới không có khách sạn tiêu chuẩn. Nhà nước chỉ quy định khách sạn từ 1-5 sao. Do đó, các khách sạn tiêu chuẩn muốn xếp hạng sao thì phải đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực. Nhiều khách sạn không đủ khả năng về tài chính để đầu tư thêm nhưng vẫn kinh doanh, không làm thủ tục tái thẩm định đã gây khó khăn cho công tác quản lý cơ sở lưu trú.
Về chủ quan, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tìm hiểu và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch. Nhiều cơ sở lưu trú du lịch khi đầu tư xây dựng không quan tâm đến các tiêu chuẩn của ngành về kinh doanh lưu trú nên đến khi làm các thủ tục công nhận loại hạng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các cơ sở lưu trú nhỏ, lẻ chưa thực sự quan tâm đến xu hướng, nhu cầu của khách du lịch, các dịch vụ còn nghèo nàn.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực trong cơ sở lưu trú du lịch vừa thiếu, vừa yếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ nên rất khó khăn cho việc hoàn tất thủ tục hồ sơ công nhận loại hạng cho cơ sở lưu trú. Công tác xúc tiến chào bán các sản phẩm dịch vụ lưu trú chưa được các cơ sở quan tâm đúng mức. Nhiều cơ sở lưu trú còn thụ động trông chờ vào chương trình quảng bá, xúc tiến của tỉnh, chưa chủ động liên doanh, liên kết, chào bán sản phẩm dịch vụ du lịch, do đó chưa thu hút được sự quan tâm của khách du lịch.
Cần tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước
Trong thời gian tới, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở lưu trú du lịch và cán bộ quản lý về quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh lưu trú. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho những người quản lý và nhân viên buồng, bàn, bar, lễ tân đang làm việc trong các cơ sở lưu trú du lịch.
Sở phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương để rà soát các cơ sở lưu trú du lịch và hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo các điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch và trình tự đăng ký thẩm định, tái thẩm định loại hạng cơ sở lưu trú. Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh định kỳ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về kinh doanh lưu trú du lịch. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch.
Để vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch đạt hiệu quả hơn nữa, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đồng thời có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp du lịch nói chung và cơ sở lưu trú nói riêng. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, chủ các cơ sở lưu trú cần phải quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu cho chính mình; từng bước nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng phục vụ; đa dạng hóa dịch vụ, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách… Trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phải luôn giữ vai trò định hướng trong công tác chỉ đạo để các doanh nghiệp du lịch thấy được vai trò và lợi ích khi tích cực tham gia xúc tiến quảng bá du lịch sẽ mang lại hiệu quả thiết thực./.