Hoạt động của ngành

Báo cáo kết quả điều tra khách du lịch - giai đoạn 1 tại một số điểm đến thí điểm

Cập nhật: 30/06/2014 08:13:53
Số lần đọc: 1772
(TITC) - Ngày 27/6/2014 tại Hà Nội, Ban quản lý dự án EU đã tổ chức Hội thảo kỹ thuật “Báo cáo Kết quả điều tra khách du lịch - giai đoạn 1 tại một số điểm đến thí điểm” nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia của Tổng cục Du lịch trước khi triển khai giai đoạn 2 của dự án này từ tháng 7 đến tháng 9/2014.

Mục tiêu của cuộc điều tra này nhằm thu được những thông tin về nhu cầu của du khách tại mỗi điểm đến, nhận thức của khách du lịch về phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm với môi trường và xã hội tại mỗi điểm đến.

Theo đó, trong tháng 3 và 4 vừa qua các chuyên gia của dự án EU đã tiến hành điều tra đối với 1.543 khách du lịch trong nước và quốc tế tại 5 điểm đến thí điểm là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long và Sa Pa.

Báo cáo kết quả sơ bộ ban đầu của các chuyên gia dự án EU cho thấy, chi tiêu trung bình của mỗi du khách quốc tế lưu trú qua đêm là 102,3 USD/ngày, còn đối với khách du lịch nội địa có lưu trú qua đêm là 1,3 triệu đồng/ngày (tương đương 62 USD). Trong 5 điểm đến đó thì Hạ Long là nơi có mức chi phí trung bình cao nhất là 125,1 USD/ngày đối với khách quốc tế và 1,6 triệu đồng/ngày đối với khách nội địa; Huế là địa điểm có mức chi phí trung bình thấp nhất đối với khách quốc tế với 75,6 USD/ngày và Hội An là điểm đến có chi phí rẻ nhất đối với khách trong nước là 900.000đ/ngày (chi phí này chưa tính đến chi phí vận chuyển của khách đến điểm đến). Hình thức đi du lịch theo nhóm và tự tổ chức nhiều hơn là đi theo tour. Về cơ sở lưu trú, các khách sạn từ 3-5 sao hoặc resort được khách du lịch quốc tế ưa chuộng, còn khách nội địa chủ yếu sử dụng cơ sở lưu trú bình dân hoặc khách sạn 3 sao. Thông tin tham khảo trước khi đi du lịch của khách quốc tế chủ yếu là Internet, còn khách nội địa thì chủ yếu tham khảo qua Internet và xem tivi…

Theo đánh giá của khách du lịch quốc tế thì những điểm đến như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Hạ Long, Sa Pa và Huế được hầu hết khách quốc tế đưa vào danh sách là điểm đến mong muốn. Trong đó có hơn 70% du khách trong nước và quốc tế cho biết họ rất hài lòng đối với kỳ nghỉ tại đó và sẵn sàng quay trở lại hoặc giới thiệu cho bạn bè và người thân đến điểm này trong tương lai. Những điều du khách hài lòng nhất là cảnh quan thiên nhiên và sự thân thiện của người dân, còn những điều khách ít hài lòng nhất tại điểm đến là tình trạng chèo kéo du khách của người bán hàng, phân biệt giá giữa người địa phương và khách du lịch, nhiều dịch vụ du lịch và phương tiện giao thông công cộng chưa được tốt…

Theo ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo cho biết, kết quả điều tra này là rất cần thiết để phục vụ cho công tác nghiên cứu marketing và phát triển sản phẩm. Tuy nhiên kết quả này chỉ mang tính tham khảo do số phiếu điều tra còn quá ít, chưa đảm bảo cơ số mẫu để đưa ra kết quả đại diện.

Đồng ý với quan điểm này, Ông Vũ Quốc Trí, giám đốc dự án EU cho biết, dự án sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và hoàn thiện phiếu thu thập thông tin để tiếp tục điều tra giai đoạn 2 tại 5 điểm trên từ tháng 7-9/2014, sau đó sẽ hoàn thiện báo cáo kết quả và sẽ bàn giao cho Tổng cục Du lịch và các địa phương liên quan. Đồng thời cho biết, đây chỉ là dự án mẫu mà dự án EU chỉ triển khai thí điểm và mong muốn Tổng cục Du lịch sẽ tiến hành các cuộc điều tra thống kê du lịch thường xuyên liên tục trong tương lai để phục vụ tốt hơn nữa công tác nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm.

Kết luận tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao kết quả và sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án EU trong việc triển khai nhiệm vụ này. Đồng thời khẳng định Tổng cục Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch sẽ từng bước xây dựng đầy đủ và chính xác dữ liệu thống kê về du lịch. Vì vậy các đơn vị liên quan có trách nhiệm hỗ trợ dự án EU hoàn thành tiếp giai đoạn II kết quả điều tra của nhiệm vụ này và tiếp thu kinh nghiệm, phương pháp, kỹ thuật của nhiệm vụ này để có thể áp dụng vào các cuộc điều tra của ngành Du lịch, nhằm đưa ra kết quả tốt nhất để xây dựng chiến lược Marketing và phát triển sản phẩm đảm bảo sức cạnh tranh cao cho ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới./.

Thế Phi

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục