Hoạt động của ngành

Xây dựng tiêu chí và quy trình chứng nhận du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam

Cập nhật: 26/06/2014 17:15:07
Số lần đọc: 2043
(TITC) - Đây là chủ đề Hội thảo diễn ra sáng nay 26/6/2014 tại Hà Nội do Tổng cục Du lịch phối hợp với Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, các chuyên gia đến từ WWF tại Việt Nam, Dự án Chương trình Phát triển Năng lực du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án ESRT), các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch.

Theo ông Đinh Ngọc Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TCDL), việc giới thiệu và triển khai du lịch có trách nhiệm là nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030 “Phát triển du lịch bền vững, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”. Việc xây dựng tiêu chí và quy trình chứng nhận du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam là một bước góp phần định hướng, xây dựng khuôn khổ và thúc đẩy phát triển du lịch có trách nhiệm ở nước ta.

TS. Phạm Trương Hoàng, chuyên gia tư vấn xây dựng bộ tiêu chí và quy trình chứng nhận, cho biết trong quá trình xây dựng, nhóm chuyên gia đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đồng thời khảo sát hiện trạng phát triển du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam để bảo đảm áp dụng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Hai buổi họp kỹ thuật cũng đã được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, các chuyên gia và đã đề xuất bộ tiêu chí này sẽ được xây dựng trực tiếp hướng tới đối tượng các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí và quy trình cấp chứng nhận Nhãn du lịch bền vững Bông Sen Xanh từ tháng 4/2012.

Bộ tiêu chí lần này được xây dựng nhằm thống nhất những hiểu biết chung về du lịch có trách nhiệm; đưa ra những yêu cầu tối thiểu trong phát triển và kinh doanh du lịch nhằm định hướng tổ chức, doanh nghiệp xây dựng các mục tiêu và chính sách phát triển của mình; tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam.

Theo dự thảo, Bộ tiêu chí du lịch có trách nhiệm sẽ bao gồm 38 tiêu chí được đánh giá bằng 80 chỉ tiêu với tổng điểm tối đa là 106. Trong đó, các tiêu chí được phân chia thành 4 nhóm về: quản lý bền vững, xã hội, kinh tế và môi trường. Nhóm chuyên gia đề xuất trong thời gian đầu sẽ có 3 mức điểm đánh giá, gồm có: Không đạt chuẩn (dưới 50 điểm); Đạt chuẩn mức ban đầu (từ 50-75 điểm); và Đạt chuẩn mức đầy đủ (trên 75 điểm). Sau một thời gian nhất định, mức đạt chuẩn ban đầu sẽ không được sử dụng tiếp mà thay vào đó chỉ là Đạt hay Không đạt chuẩn.

Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo của các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở đào tạo, tổ chức phi chính phủ...  Theo đó, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành bộ tiêu chí và quy trình cấp chứng nhận du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam, và trước mắt nên hướng tới đối tượng doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Việc triển khai áp dụng các tiêu chí du lịch có trách nhiệm nên theo cơ chế tham gia tự nguyện nhằm bảo đảm yêu cầu xây dựng và nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam, đồng thời phù hợp với lợi ích của các doanh nghiệp. Các đại biểu đề nghị nhóm chuyên gia điều chỉnh tiêu đề tương thích với nội dung bộ tiêu chí khi hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; nên rà soát lại một số tiêu chí để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai áp dụng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng nhận diện thương hiệu cho chứng nhận du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam.

Trong xu thế hiện nay, khách du lịch quốc tế ngày càng quan tâm đến các sản phẩm du lịch có trách nhiệm. Việc áp dụng các tiêu chí du lịch có trách nhiệm sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, quy trình cấp chứng nhận nên được xây dựng theo hướng ngắn gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có mong muốn tham gia.

Truyền Phương

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục