Tin tức - Sự kiện

Hà Giang: Phát triển du lịch cộng đồng - Hướng đi bền vững

Cập nhật: 15/05/2008 14:05:34
Số lần đọc: 1656
Là một tỉnh có điều kiện khí hậu, tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, nhưng lại được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ. Bao đời nay Hà Giang luôn là “phên dậu” bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc…Và cũng chính vị trí địa lý – kinh tế – chính trị quan trọng này đã tạo cho Hà Giang thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Khí hậu, quanh năm mát mẻ, không khí trong lành, Hà Giang luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn và bổ ích đối với du khách. Địa hình hiểm trở, nhưng rất kỳ vĩ, có núi cao, cao nguyên và cả thung lũng, địa hình nhiều sông suối, trong đó có nhiều suối nước nóng trữ lượng lớn với hàm lượng khoáng chất cao, rất tốt cho sức khoẻ. Ngoài ra, thiên nhiên đã kỳ tạo cho Hà Giang nhiều thắng cảnh hùng vĩ, ngoạn mục như đỉnh Tây Côn Lĩnh, Thác Thuý, Thác Bay, Thạch Nhũ Đôi, Cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng Cú - nơi đỉnh đầu của Tổ quốc, khu du lịch Tam Sơn - núi Tiên...cùng nhiều ghềnh thác, hang động với nhiều hình khối, đường nét kỳ thú và hấp dẫn.

 

Cùng đó, Hà Giang còn có cả một kho tàng văn hoá phong phú, đa dạng với hơn 20 dân tộc đang sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng, độc đáo, thể hiện qua các phong tục tập quán, lễ hội, tôn giáo... và những di sản văn hoá dân gian như thơ ca, truyện cổ, thành ngữ, tục ngữ... đặc biệt là hình thức dân ca, dân vũ với nghệ thuật biểu diễn đạt đến đỉnh cao như khèn của người Mông, hát Lượn, Cọi của người Tày, Sli của người Nùng... Riêng về lễ hội, Hà Giang có tới 17 lễ hội, chủ yếu là các lễ hội dân gian, trong đó có những lễ hội mang tính cộng đồng điển hình như Lễ “Cấp sắc” của người Dao, “Gầu Tào” của người Mông, “Nhảy lửa” của người Pà Thẻn, “Lồng Tồng” của người Tày... Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng đồng bào các dân tộc Hà Giang mà còn là niềm tự hào chung của cả nước. Và đặc biệt hơn, đến Hà Giang ai cũng muốn đến ghé thăm Chợ tình Khau Vai, nơi hò hẹn của những đôi trai gái, đôi lứa yêu nhau và cả của những người đã từng yêu nhau mà không lấy được nhau, nơi còn được gọi bằng cái tên thật đẹp “Chợ tình Phong lưu”. Điều hấp dẫn khi du khách đến Hà Giang còn là ở các đặc sản, những sản vật nơi đây như: Thịt bò khô, thắng cố, cháo ấu tẩu, lơ khẩy vv… là những món ăn đặc sản nổi tiếng ở Hà Giang. Ngoài ra, Hà Giang còn nổi tiếng với các loại hoa quả như cam sành (Bắc Quang); mận hậu (Xín Mần); đào, lê (Đồng Văn); chè Shan tuyết (Hoàng Su Phì)…

 

Nhiều loại dược liệu quý, hiếm mà chỉ Hà Giang mới có, như: Đỗ trọng, Xuyên khung, Hoàng tinh, Tam thất…Với những tài nguyên du lịch phong phú nói trên, cho thấy đây chính là thế mạnh để Hà Giang phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

 

Ngày nay, khoảng hơn 80% các chương trình du lịch lữ hành quốc tế là nhằm mục đích tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa độc đáo của các cộng đồng dân tộc trên khắp thế giới và khác biệt với chính nền văn hóa của khách tham quan, du lịch. Khách du lịch muốn được xem và hưởng thụ các giá trị văn hóa giàu bản sắc, sống động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân và vấn đề cơ bản nhất đó phải là những sinh hoạt văn hóa đích thực. Tuy nhiên, cho đến nay tất cả những sinh hoạt văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh ta vẫn mang tính tự nhiên mà chưa tạo thành một sản phẩm du lịch thực sự. Xác định rõ lợi thế và tiềm năng du lịch của một tỉnh miền núi, từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã có chủ trương và xây dựng những làng văn hóa trong cộng đồng dân cư để từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân các dân tộc. Đến nay, một số địa điểm như làng văn hóa du lịch dân tộc Tày, thôn Tha (thị xã Hà Giang), làng văn hóa du lịch dân tộc Dao, thôn Lùng Tao (Vị Xuyên), làng văn hóa du lịch dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc (Quang Bình), làng văn hóa du lịch dân tộc Dao ở Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), làng văn hóa du lịch dân tộc Mông, thôn Lũng Cẩm, làng văn hóa du lịch dân tộc Lô Lô, thôn Lô Lô Chải, Lũng Cú (Đồng Văn)…đã bắt đầu tổ chức đón khách với các hình thức như tổ chức các hoạt động biểu diễn các tiết mục dân tộc tại các thôn, bản phục vụ khách du lịch. Các loại hình dịch vụ này bước đầu đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của khách du lịch, nhưng nhìn chung vẫn là những sinh hoạt “sân khấu”, “đóng giả” mà không thực. Nguồn thu nhập đem lại từ du lịch vẫn chủ yếu là từ dịch vụ ăn uống. Vì vậy, để tăng thu nhập cần phải tạo ra nhiều loại hình vui chơi giải trí ở làng bản để “níu chân” du khách, mặt khác cần tăng cường đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm, hàng đặc sản…Vấn đề cấp bách là xây dựng được một mô hình làng du lịch văn hóa – sinh thái cộng đồng.

 

Đối với Hà Giang, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là một hướng tiếp cận còn rất mới. Mặc dù vậy, có thể khẳng định rằng đó chính là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới. “Du lịch sinh thái cộng đồng” chỉ thực sự là sản phẩm du lịch đúng nghĩa khi cộng đồng người dân nơi có điểm du lịch được hưởng lợi từ chính hoạt động du lịch, được sự hướng dẫn cách thức làm du lịch của ngành du lịch và văn hóa thì du lịch cộng đồng mới phát triển đúng hướng. Do vậy, để phát triển du lịch cộng đồng góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, cần phải có những biện pháp đồng bộ, hữu hiệu. Trước hết, cần phải tăng cường vai trò của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong việc hoạch định các chương trình du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn, phải thấy được rằng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là phương thức hữu hiệu góp phần phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo. Từ nhận thức này thể hiện bằng những hành động cụ thể như tổ chức cho cán bộ, nhân dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch của một số điểm du lịch trong nước và quốc tế. Cùng đó, cần phải tiến hành ngay “Quy hoạch phát triển các làng du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh”, nội dung của quy hoạch này phải bảo đảm yêu cầu đánh giá được tác động với môi trường khi du lịch phát triển, quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững trong phát triển du lịch và phải phù hợp với những định hướng phát triển không gian du lịch đã đề ra trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chung của toàn tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch này, lựa chọn các thôn bản, các nhà văn hóa cộng đồng tiêu biểu, hội tụ đủ các yếu tố về cảnh quan sinh thái, đảm bảo an toàn, an ninh để đầu tư xây dựng thành các điểm lưu trú qua đêm cho khách du lịch. Cần đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt cần thiết nhấn mạnh tính trọng điểm trong đầu tư. Chú trọng đến các địa điểm làng bản nằm trên các tuyến du lịch chính của tỉnh để xây dựng các chương trình du lịch hợp lý, phù hợp với tâm, sinh lý của khách du lịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cần phải chủ động phối hợp với ngành du lịch xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh và nhân viên phục vụ tại các thôn bản cần phải am hiểu sắc thái văn hóa các dân tộc để giới thiệu với khách du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phục vụ du lịch cho cộng đồng địa phương tại đây. Xây dựng và hoàn thiện chiến lược tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch sinh thái cộng đồng trong xu thế mới. Tiến hành phân đoạn và lựa chọn thị trường mục tiêu cần hướng đến, từ đó có chính sách marketing cho phù hợp với từng loại thị trường. Không chỉ coi Hà Giang là một điểm đến đơn lẻ mà cần xác định đây là một không gian du lịch mà trong đó tất cả các huyện, thị của tỉnh có mối quan hệ hữu cơ với nhau và với các địa phương lân cận, coi du lịch sinh thái cộng đồng là một sản phẩm đặc trưng của du lịch Hà Giang, từ đó có kế hoạch xuất bản các ấn phẩm quảng bá, phim tư liệu giới thiệu về du lịch sinh thái cộng đồng, có như vậy du lịch cộng đồng ở Hà Giang mới phát triển bền vững.

Nguồn: Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT