Bánh tét làng Chuồn (Thừa Thiên Huế): mang đậm nét văn hóa dân tộc
Bánh tét làng Chuồn là nghề truyền thống từ xưa đến nay, từ đời này sang đời khác. Kỹ thuật gói và nấu bánh tét ở làng Chuồn không có gì khác lạ so với nhiều địa phương khác, nhưng bánh tét ở đây lại đặc biệt về vật liệu. Tại làng này, từ xưa đã khoanh vùng khoảng 20 mẫu ruộng để cấy nếp ngon. Đó là loại nếp thơm, gọi tên là nếp Tây và tài khéo làm bánh tét làng Chuồn cũng được thể hiện trong mọi khâu.
Trước hết là chọn nếp: nếp ngon đều hạt, giã trắng, sàng kỹ tấm cám, không lẫn gạo hay bông cỏ, hạt cát. Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước (để bảo đảm giữ bánh được chừng nửa tháng). Lá gói bánh là lá chuối sứ không già lắm, có mặt rộng độ bền chắc. Lạt giang vót mỏng dễ cột chặt làm cho bánh ổn định hình thể, và không thấm nước nhiều làm nhão bánh. Nhụy đậu xanh cũng chọn loại đậu xanh mỡ (loại hạt đậu lớn đều), ngâm vút làm nhụy sống. Mỡ lợn là loại mỡ giấy xắt thỏi dài vuông vức góc cạnh. Tiêu, hành, muối nêm vừa ướp đều trong mỡ, thêm một ít muối trộn đều trong nếp.
Khi gói thao tác khéo, để nhụy bánh nằm đúng trung tâm. Đòn bánh gói đẹp giữ vững hình trụ tròn đều, các nuộc lạt buộc khéo đều nhau. Để bánh có màu xanh tự nhiên còn phải bỏ một lượng lá “mật lục” (lá hoang ở bờ bụi có hình thùy, chót lá tóp nhỏ, thân và cành có gai thưa) vào nồi trước khi nấu. Trong quá trình nấu bánh, phải thay nước ít nhất hai lần để khỏi úa màu lá. Giữ lửa đều 12 tiếng làm cho bánh nhừ, giữ được lâu mà hạt nếp vẫn không "sống" trở lại.
Tét bánh bằng chỉ hay sợi gấc làm mặt bánh mịn màng phẳng đẹp, sắp khéo vào dĩa trông như những vầng trăng tròn tươi sáng tỏa hương. Khi ăn, ta cảm nhận vị mềm dẻo của bánh, hương thơm dịu của bánh, vị béo bùi của nhụy bánh và vị cay của tiêu hành, thành một vị tổng hòa thơm ngon, hấp dẫn.