Non nước Việt Nam

Lễ cưới của người Dao đỏ

Cập nhật: 31/10/2008 10:10:04
Số lần đọc: 2310
A Mùa thu, khi lúa đã gặt, thóc đã vào bồ, ngô đã xuống ruộng, đây cũng là thời điểm tộc người Dao đỏ tỉnh Lào Cai tổ chức lễ cưới cho con khi chúng đã đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Nghi lễ cưới hỏi của người Dao đỏ mang đậm nét văn hóa truyền thống. Một gia đình tổ chức lễ cưới cho con nhưng đồng thời là việc vui, là ngày hội của cả làng, cả bản.

Theo phong tục của người Dao đỏ, trước buổi lễ đón dâu, gia chủ phải mời thầy cúng đến nhà làm lễ "làm sạch nhà cửa", tiếng Dao đỏ là "pịa pèng - chùm pài - chùm chụt". Thầy cúng lập bàn thờ kèn - loại nhạc cụ thiêng liêng trong lễ cưới. Trước bàn thờ, thầy cúng trịnh trọng mời tổ tiên, các vị thần linh về chứng giám việc đôi trẻ kết hôn, đuổi sạch tà ma, những sự xấu xa. Bài khấn có đoạn: "Hôm nay ngày đẹp/ Ta vào bàn cúng/ Tung xin âm dương/ Hỏi lý hỏi đường/ Chỉ làm điều tốt/ Xua tà trừ ma/ Đổ hết xấu xa/ Ra ngoài khe suối". Vừa khấn, thầy cúng vừa chạy khắp nhà, rồi vẩy nước thiêng và tung que sắt đuổi tà ma.

 

Cùng lúc ấy, một hồi kèn thúc vang, hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng thanh la sôi động. Đội nhạc kèn xông lên hướng đông, lùi về hướng tây, quây tròn nam bắc như báo hiệu nhà đã sạch, cả họ sẵn sàng đón nàng dâu mới.

 

Đoàn rước dâu tưng bưng đầu ngõ, cả nhà trai âm vang điệu kèn, nhịp trống chiêng. Ông thổi kèn hướng lên trời hỏi trời, cúi xuống đất hỏi đất. Lúc này đoàn rước dâu đã về. Cô dâu có người che ô, trùm khăn cưới đỏ thắm hình mái nhà. Đoàn nhạc kèn nhà trai ra tận ngõ thổi kèn, nổi trống chiêng mời chào 3 lần bài khèn "Tả khai mần". Âm vang điệu khèn chưa dứt, những chén rượu nống ấm đã trao tay từ những cụ già đến nam thanh, nữ tú.

 

Ông thầy cúng tay cầm con gà trống to, tay kia cầm thanh kiếm sắc bắt đầu nghi lễ tế gà. Một nhát kiếm vung lên, đầu gà lìa ra khỏi cổ, mọi người dự lễ đều hú lên một tiếng. Cô dâu mạnh dạn bước qua chậu nước phép, phía trên gác đôi kiếm thiêng. Đây là nghi lễ thể hiện đôi trai gái đã vượt qua muôn vàn gian khó, vượt mọi tai ương, bây giờ cô dâu đã về nhà chồng.

 

Buổi lễ được tiếp tục với việc thầy cúng làm lễ đặt tên, trao đôi chén rượu hồng cho đôi vợ chồng trẻ. Thầy chúc tụng: "Vợ chồng gắn bó/ Hai họ kết giao/ Chưa cưới là suối nhỏ/ Kết hôn thành biển trào/ Nuôi lợn đẻ đầy đàn/ Nuôi gà, tràn đầy sân/ Gieo lúa, lúa chất cao gác nhà/ Bán hàng, hàng chạy vào ra/ Sinh con có cả trai lẫn gái/ Học chữ nhiều sẽ được làm quan".

 

Sau khi rước dâu, nhà gái định ra về, nhà trai thấy vậy dùng đội nhạc kèn kết nối tình thông gia. Ông chủ kèn thổi bài "Seo quản ìn", cả đội nhạc kèn quây tròn cô dâu chú rể, rồi vừa thổi vừa chạy vòng quanh quan viên nhà gái và hai ông bà mối. Tiếng kèn mời gọi, tiếng trống thúc giục, tiếng thanh la vẫy chào. Cuối cùng, đội hình nhạc kèn chạy theo hình bát quái, chạy theo hình âm dương ngũ hành. Tếng kèn da diết, tha thiết như tấm lòng nhà trai mong mỏi giữ nhà gái, trân trọng kết thông gia. Điệu kèn "Seo quản ìn" trở thành sợi dây âm thanh, vô hình nhưng kết nối bền chặt tình vợ chồng, kết nối gia đình, dòng họ và cộng đồng.

 

Mùa thu lên với vùng cao Tây Bắc, du khách sẽ được hòa mình vào các lễ hội tươi vui, đặc sắc, trong đó có lễ cưới hỏi của người Dao đỏ.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT