"Tông ngó" - Một tục đẹp của người Tày Văn Chấn, Yên Bái
Tục "Tông ngó" của người Tày Văn Chấn - Mường Lò được thể hiện dưới nhiều dạng, như: bạn cùng năm sinh, có tên giống nhau, cùng nghề nghiệp, ngang hàng nhau ở thôn bản, cùng học với nhau. Ngoài ra chung nhau về một sở trường nào đó, ví dụ: đàn hát, đan lát, dệt may. Cũng có thể đồng cảnh đặc biệt như: góa bụa, muộn vợ, muộn chồng, con một hoặc hiếm con v.v...
Những người kết bạn, họ phải tổ chức lễ chứng kiến. Họ xin phép cha mẹ hai bên cho họ được chính thức kết bạn. Lễ đơn giản: gà một con, rượu một chai, gạo nếp một cân, hoa quả tùy ý. Ngày nay, có thêm ít bánh kẹo để làm bữa ăn cam kết thêm vui. Đồ lễ được đặt lên nơi thờ tổ tiên. Gia chủ người kết bạn thắp hương báo cáo với tiên tổ, gia tộc mình về việc con, cháu trong nhà kết bạn, mong các vị chứng giám và phù hộ. Kết thúc lễ cũng là từ đây, giữa hai người kết bạn sẽ coi tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng trong nhà, trong gia tộc của nhau cũng như của mình. Họ tham gia mọi công việc, chia sẻ ngọt bùi với nhau. Kết bạn rồi, nếu người nhiều tuổi hơn sẽ là anh, là chị.
Ngược lại, người kém tuổi nhận là em. Tục "Tông ngó" chỉ thực hiện với người cùng giới và chỉ với một mà thôi. Sau này, một trong hai người có việc tang thì người không có tang phải thực hiện mọi nghĩa vụ, thủ tục với người quá cố giống như bạn mình (tùy theo vai vế mà tiến hành), đồng thời chịu tang như con, cháu trong nhà. Mối quan hệ này duy trì dài lâu. Nhiều cặp kết "Tông ngó" kéo dài đến tận đời con, đời cháu, đời chắt.
Vì tục "Tông ngó" ý nghĩa như vậy nên việc chọn để kết bạn khá công phu, thận trọng. Chưa thấy trường hợp nào đã kết bạn rồi mà bị một trong hai bên phản bội, bị tan vỡ. Thường ngày, vẫn thấy mọi người đi lại, chơi thân với nhau, thậm chí từng cặp một, nhưng như thế không có nghĩa là họ đã kết bạn theo tục "Tông ngó". Do đó, không có gì để họ phải ràng buộc với nhau. Mọi quan hệ chỉ là bình thường mà thôi.