Dẻo thơm bánh khúc Yên Bái
Làm bánh khúc không thể thiếu lá khúc. Vào khoảng tháng giêng tháng hai cây rau khúc thường mọc nhiều ở bờ ngòi, bờ ruộng, bờ sông và cả mé vườn. Lá khúc nhỏ, trên mặt lá xanh bạc như được bôi một lớp phấn trắng. Người ta có thể làm bánh bằng lá khúc tươi hoặc phơi khô, nghiền nhỏ dành làm bánh trong cả năm. Bột bánh được pha trộn 80% gạo nếp, 20% gạo tẻ, xay cùng với lá khúc; nhân làm bằng đỗ xanh đãi vỏ nấu chín và giã mịn; thịt để làm nhân phải chọn miếng đầu thịt rọi nách không mỡ quá mà cũng không quá nạc. Thịt băm nhỏ ướp gia vị phi thơm với hành củ rồi cho đỗ vào đánh nhuyễn và nặn thành từng nắm nhỏ như quả trứng gà, bao bột khúc xung quanh và xếp bánh vào chõ.
Cứ một lượt bánh rắc một lượt gạo nếp. Theo bà Hoàn, thôn 9, xã Hợp Minh - một người làm bánh khúc lâu năm cho biết: công đoạn xôi bánh không khó nhưng đòi hỏi khá cầu kỳ, đun nồi xôi ở nhiệt độ vừa phải, nước trong nồi xôi phải đủ để hơi nước bốc đều cho bánh chín tới. Thời gian xôi khoảng chừng hơn một giờ, nếu chưa đủ thời gian bánh sẽ hấy và xôi quá lâu bánh sẽ nát.
Bắc nối bánh khúc, nhắc chõ ra và dùng đũa nẩy từng chiếc bánh gói trong lá dong bày ra đĩa. Những hạt nếp trong, căng tròn, bóng mọng quyện với mùi thơm, bùi, đặc trưng của lá khúc, vị ngậy béo của nhân đỗ thịt, tất cả hoà quện tạo nên hương vị thơm ngon, hấp dẫn không thể lẫn với thứ bánh nào khác.
Nhịp sống hiện đại, người ta có thể ăn sáng bằng nhiều thứ bánh được làm bằng công nghệ hiện đại ngọt lịm hay đủ màu, nhưng hẳn không ít người vẫn tìm mua bánh khúc, thứ quà sáng mộc mạc đầy đủ dinh dưỡng, nóng hổi mà hương thơm vị ngon đặc trưng, tạo ra dư vị riêng của quà quê đất Việt.