Hành trang lữ khách

Du lịch về vùng “đất lửa” Quảng Trị

Cập nhật: 07/11/2008 09:11:45
Số lần đọc: 2588
Quảng Trị nằm trên con đường di sản miền Trung ở giữa Huế và Quảng Bình. Nhưng có lẽ do khí hậu khắc nghiệt nên lâu nay, các tour du lịch thường ít đưa khách đến Quảng Trị, dù nơi đây có rất nhiều địa danh, di tích lịch sử cách mạng và bãi tắm Cửa Tùng - một trong các bãi tắm lý tưởng của Việt Nam.

Hiếm nơi nào có một hệ thống di tích chiến tranh dày đặc, độc đáo và nổi tiếng như ở Quảng Trị. Chính vì vậy, nếu có dịp đến đây và đi thăm những di tích này, bạn sẽ thấy không có nơi nào đem đến cho bạn nhiều cảm xúc đến vậy.

 

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Quảng Trị là một trong những mảnh đất anh hùng, là vùng chiến sự cực kỳ ác liệt. Số lượng bom đạn Mỹ dội xuống vùng đất này trong chiến tranh tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima - Nhật Bản năm 1945. Những địa danh như Khe Sanh, Ái Tử, Tà Cơn, Cam Lộ, Lao Bảo, Hướng Hóa, Đông Hà… được nhắc liên tục trong các bản tin chiến sự với sự thiệt hại nặng nề của Mỹ. Bởi thế, DMZ (viết tắt tiếng Anh của từ khu phi quân sự) lâu nay là một điểm du lịch được ưu tiên hàng đầu của du khách quốc tế khi đến miền Trung.

 

Chúng tôi đến Quảng Trị vào một ngày cuối tháng 10. Suốt ngày, trời mưa tầm tã. Khi chúng tôi tỏ ý muốn đi Khe Sanh - Lao Bảo, một đồng nghiệp tại Quảng Trị trấn an: “Chị cứ yên tâm, Khe Sanh - Lao Bảo nằm ở Tây Trường Sơn nên trời nắng ráo rất đẹp. Chị không nhớ bài hát Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây sao?”. Bán tín bán nghi, nhưng khi chúng tôi đến nơi thì quả thật trời rất đẹp, không khí dịu mát như ở Đà Lạt. 

 

Khe Sanh cách thị xã Đông Hà 60km, là một địa danh ngời sáng trong lịch sử Việt Nam. Đây là một thung lũng ngang, dọc mỗi chiều khoảng 10km, bốn bề là rừng núi trùng điệp. Về địa hình, Khe Sanh rất giống Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh, Khe Sanh là một cứ điểm quan trọng bậc nhất, một tuyến phòng thủ được coi là bất khả xâm phạm của quân đội Mỹ những năm 1966 - 1967. Vì vậy, Tổng thống Mỹ Johnson đã từng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ký cam kết bằng máu quyết tâm giữ Khe Sanh bằng mọi giá, không để xảy ra một “Điện Biên Phủ mới”. Nhưng đến ngày 9/7/1968, sau những trận chiến khốc liệt “đường 9 - Khe Sanh”, cờ giải phóng đã tung bay trên cứ điểm Tà Cơn, Khe Sanh được giải phóng. Chiến thắng Khe Sanh đã làm cho “uy tín của nước Mỹ suy sụp”. Ngay trên sân bay Tà Cơn ngày xưa, bây giờ là khu lưu niệm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh. Ở đây còn lưu giữ xác những chiếc máy bay, xe tăng, bom, súng, đạn mà quân đội Mỹ bỏ lại sau khi thất thủ, trong đó có cả “cây nhiệt đới” - một thiết bị cực kỳ tối tân hồi ấy. Người ta còn dựng lại những công sự của quân đội Mỹ, cũng như sưu tầm rất nhiều vật dụng cá nhân của binh lính Mỹ… Những gì còn lưu giữ tại đây không nhằm khơi lại hận thù mà nó khiến những người xem càng thấy sợ hãi sự tàn khốc của chiến tranh và tự hào về dân tộc Việt Nam. Những dòng lưu niệm của một du khách Pháp tại khu lưu niệm Khe Sanh cũng đã cho thấy được điều này: “Cảm ơn các bạn đã mở một tour du lịch đầy xúc động. Điều này đã cho chúng tôi nhớ lại cuộc chiến tranh đầy thảm khốc. Những gì chúng tôi thấy càng làm chúng tôi thêm khâm phục và yêu mến Việt Nam. Chiến tranh không được tiếp diễn, chiến tranh không bao giờ trở lại! Chỉ có hòa bình và hữu nghị cho bây giờ và mãi mãi!”.

 

Cuộc chiến 40 năm trước đã lùi xa, Khe Sanh bây giờ đang hồi sinh với bạt ngàn vườn rừng, đồi  cà phê, tiêu, xoài, ruộng lúa và những ngôi nhà cao tầng khang trang. Khe Sanh giờ đây lại càng phát triển hơn với Khu Thương mại Lao Bảo với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước tấp nập đầu tư tại đây. Đường 9 - con đường kinh hoàng của Pháp và Mỹ ngày xưa, nay đã được nâng cấp để trở thành con đường xuyên Á trên hành lang kinh tế Đông - Tây trong thời kỳ hội nhập và phát triển. 

 

Ở Quảng Trị còn có rất nhiều di tích lịch sử khác như: Dốc Miếu - hàng rào điện tử Macnamara - một hệ thống chống bộ binh và chống xe cộ của Mỹ được thiết lập nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam của quân dân Việt Nam; địa đạo Vĩnh Mốc - một công trình độc đáo trong hàng chục công trình địa đạo lớn nhỏ của làng quê Vĩnh Linh được hình thành từ những năm 1965 - 1966 với hàng ngàn mét đường hầm và các tiểu đạo xuyên lòng đất cùng hàng ngàn mét giao thông hào chiến đấu. Địa đạo có nơi sâu tới 23m dưới mặt đất là hình ảnh một làng quê thu nhỏ, từng là nơi sinh hoạt của cả một làng, một xã. Rồi Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… nơi yên nghỉ của hàng ngàn anh hùng liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước.

 

Đến Quảng Trị cũng là dịp để bạn thưởng thức những nét độc đáo của ẩm thực nơi đây. Ở đây cũng có nhiều sản vật nổi tiếng như: Nem chợ Sãi, vải La Vang; khoai quán Ngang, dầu tràm Đại Nại; cá bống Bích La, gà Trại Lộc… Song có lẽ, có một món ăn khá nổi tiếng ở Quảng Trị - đó là món cháo Vạt giường và lòng thả. Đặc biệt, cháo Vạt giường là món ăn mà nhà thơ Nguyễn Duy rất mê khi đến Quảng Trị, ông xem đặc sản này là một trong những món ăn đặc sắc nhất trên đường xuyên Việt. Cháo Vạt giường là kiểu cháo nấu bằng sợi bột gạo nấu với cá tràu (cá lóc). Cá làm kỹ, đem um hay tao với mỡ hành, gia vị cho thấm rồi cho vào nồi nước nấu sôi, sau đó mới thả những sợi bột gạo vào, điểm thêm chút hành. Cháo Vạt giường có mùi thơm vị nồng đặc biệt của củ nén (một loại gia vị quen thuộc ở Quảng Trị có hình dạng như củ hành). Món lòng thả hay còn gọi là lòng sả do tính chất chủ yếu của gia vị này, khi nấu người ta thả lòng vào nồi nước, sau đó đánh tiết heo hay tiết vịt cho tan vụn, nêm gia vị đổ vào nồi, đun đến khi sôi thì múc ra tô có chút gạo hay đậu xanh nhừ, có thêm một ít lòng chay. Kiểu nấu cháo này được người Quảng Trị rất thích.

 

Ngoài ra bạn còn có cơ hội đi mua sắm tại Trung tâm thương mại Lao Bảo, hay chợ Đông Hà… nơi có nhiều hàng hóa được nhập khẩu từ Thái Lan, dù giá không rẻ lắm…

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Cùng chuyên mục