Hoạt động của ngành

Hà Giang: Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống

Cập nhật: 11/12/2008 09:19:40
Số lần đọc: 2133
Ở huyện Mèo Vạc có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống từ rất lâu đời, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giấy, Xuồng… Mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá độc đáo riêng, những phong tục tập quán đa dạng.

Trong xu thế phát triển hiện nay, những bản sắc văn hoá đó đã trở thành “nguồn tài nguyên vô giá” để thúc đẩy kinh tế Mèo Vạc phát triển toàn diện, trở thành “điểm nhấn” khẳng định sức sống lâu bền của người địa phương trên vùng cao núi đá này. Vì thế, việc duy trì, phát triển và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc ở đây trước những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và mặt trái của nền văn hoá ở các nước trong khu vực và trên thế giới đã được đặt ra, trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển KT-VH-XH của Mèo Vạc.


Trong năm 2008, việc bảo tồn và giữ gìn bản sắc tinh hoa của văn hoá truyền thống ở Mèo Vạc có nhiều khởi sắc. Huyện đã không ngừng đề cao và tôn vinh các giá trị văn hoá đó gắn với nhiều hoạt động cụ thể như: Xây dựng và ra mắt hệ thống các Làng Văn hoá du lịch cộng đồng của người bản địa; đẩy mạnh hoạt động văn hoá, văn nghệ-thể thao mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và xây dựng, hình thành nếp sống văn hoá mới trong cộng đồng làng bản… một cách hiệu quả. Phòng Văn hoá và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã triển khai xây dựng và ra mắt được 2 Làng Văn hoá du lịch cộng đồng của người Lô Lô ở thôn Sảng Pả A (thị trấn Mèo Vạc), người Giấy ở xóm Nà Trào ( xã Tát Ngà). Dự kiến trong thời gian tới huyện sẽ cho ra mắt thêm 2 Làng Văn hoá du lịch cộng đồng của người Dao (xã Sủng Máng) và người Mông xóm Thào Chứ Lủng ( xã Tả Lủng). Cùng với đó là việc đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ -thể thao một cách sinh động, nhất là văn nghệ quần chúng, tạo cơ hội để các nghệ nhân và quần chúng nhân dân địa phương có dịp được tham gia, thể hiện các giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc mình. Toàn huyện đã thành lập được 70 đội văn nghệ quần chúng ở các địa phương tiến hành biểu diễn được 140 buổi thu hút hàng trăm người xem; huyện cũng thành lập được đội văn nghệ xung kích, trong đó hạt nhân nòng cốt là lực lượng thanh, thiếu niên đến từ các cơ quan, đơn vị trường học và địa phương sẵn sàng phục vụ nhân dân vào những ngày lễ, tết truyền thống của đất nước, của tỉnh và huyện. Ở đó, nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc với những làn điệu dân ca, điệu múa dân gian, nhạc cụ dân tộc sinh động của người địa phương như: Khèn Mông, Khèn đôi, trống… tiếp tục được khai thác và đi vào sử dụng, có dịp được giao lưu, cọ xát với các nền văn hoá tiên tiến khác. Các tụ điểm sinh hoạt văn hoá như: Thư viện, nhà văn hoá huyện, tủ sách trường học… thường xuyên được mở cửa phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu, khai thác thông tin và sinh hoạt văn hoá của người dân. Vì thế, nhiều tập tục văn hoá lạc hậu, mê tín dị đoan đã dần được loại bỏ kịp thời và duy trì, phát huy, bảo tồn được những tinh hoa văn hoá vốn có của đồng bào, dần hình thành nên nếp sống mới văn minh, khoa học trong cộng đồng làng bản. Tất cả những hoạt động này chính là tiền đề tạo nên những chuyển biến vượt bậc trong việc duy trì, phát triển và giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống ở Mèo Vạc trong thời gian qua. Hiện tại, huyện đang tiến hành tổ chức Ngày hội văn hoá thể thao và du lịch các dân tộc lần thứ IV – một hoạt động điển hình cho quảng bá, khơi dậy giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, là một “sân chơi” bổ ích, lý thú cho đồng bào các dân tộc được dịp thể hiện, tạo đà phát triển văn hoá các dân tộc trong giai đoạn mới hiện nay.

Nguồn: website báo Hà Giang

Cùng chuyên mục