Hoạt động của ngành

Tiềm năng và cơ hội đầu tư của du lịch Hà Nội

Cập nhật: 18/12/2008 09:12:51
Số lần đọc: 2244
Hà Nội luôn được du khách quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Ðiều này càng có ý nghĩa khi diện tích của Hà Nội vừa được mở rộng gấp 3,6 lần diện tích cũ, mở ra nhiều tiềm năng cho ngành du lịch.

 

Khách du lịch tham quan phố cổ Hà Nội.

Ngoài ưu thế về các di tích, danh thắng lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến, Hà Nội đang nổi lên là địa điểm lý tưởng cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí.

 

Sau ba tháng TP Hà Nội  mới đi vào hoạt động, du lịch đã có những chuyển biến đáng kể. Mặc dù khách quốc tế không tăng do toàn bộ khách quốc tế đến Hà Tây cũ đều phải qua Hà Nội nhưng khách nội địa tăng 30% so với trước.

 

Ðặc biệt, các khu du lịch sinh thái đang là sự lựa chọn của đông đảo khách du lịch và các hãng lữ hành. Không chỉ người làm du lịch thấy vui mà du khách cũng cảm thấy gần hơn, thuận lợi hơn khi những danh thắng Ðầm Long, Thác Ða, hồ Suối Hai, núi Ba Vì... đã thành địa danh của Hà Nội.

 

Cho dù trước đó, Hà Nội không quá xa các điểm du lịch này, cho dù du lịch Hà Nội luôn kết nối với các vùng phụ cận. Có thể khẳng định rằng, so với các tỉnh miền bắc, khu vực địa giới Hà Nội mở rộng rất phong phú về tài nguyên du lịch.  

 

Với một vùng đất có nhiều các di tích, danh thắng lịch sử, đình chùa miếu mạo như chùa Hương, chùa Tây Phương, làng cổ Ðường Lâm... cùng với những giá trị lịch sử từ nghìn đời xưa của Hà Nội cũ, du lịch Hà Nội đang hướng tới loại hình du lịch văn hóa, lịch sử là trọng yếu. Tiềm năng  này được những người làm du lịch đánh giá cao và đặt hy vọng khách du lịch quốc tế đặc biệt là khách châu Âu lựa chọn Hà Nội là điểm đến nhiều hơn.

 

Ðịa thế núi non, sông nước của tỉnh Hà Tây cũ là thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần. Nơi này đang trở thành điểm lựa chọn du lịch ngắn ngày của đông đảo khách nội địa, nhất là các địa phương lân cận.

 

Ðến nay, ngành du lịch đã triển khai 15 dự án quy hoạch du lịch; thực hiện 43 dự án đầu tư hạ tầng du lịch. Mảnh đất trăm nghề nổi tiếng này quy tụ tới 1.180 làng có nghề trong đó 255 làng nghề mở ra triển vọng cho du lịch làng nghề gắn với lễ hội làng.

 

Nhiều làng nghề nổi tiếng như lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Ðộng, sơn mài Duyên Thái, nặn tò he Xuân La... hấp dẫn đông đảo khách quốc tế đến tìm hiểu giá trị văn hóa, sự tài hoa của những người thợ thủ công.

 

Ðặc biệt, với diện tích rộng 3,6 lần so với Hà Nội cũ, mảnh đất  này đang là cơ hội "vàng" cho các nhà đầu tư du lịch có thể đầu tư trong lĩnh vực khách sạn, sân gôn, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng...

 

Ðứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng làm thế nào khai thác tối ưu hiệu quả đang là vấn đề những người làm du lịch Hà Nội suy tính.

 

Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội Cao Thị Ngọc Lan cho biết: "Trước mắt, ngành nghiên cứu, rà soát lại thực trạng du lịch Hà Nội, chú trọng du lịch khu địa giới mở rộng để xây dựng lại quy hoạch. Hà Nội cũng đang tính đến việc mời chuyên gia nước ngoài lập quy hoạch du lịch để bắt kịp với xu  thế phát triển của các nước trong khu vực và thế giới". Quan điểm của thành phố là phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa, thiên nhiên và môi trường của Thủ đô. Hà Nội cũng chú trọng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

 

Thật ra, khó khăn cũng không phải nhỏ khi đưa các tiềm năng du lịch khu vực mở rộng phát triển xứng tầm với Thủ đô như hệ thống hạ tầng, ý thức cộng đồng...

 

Trong rất nhiều công việc phải hoàn thiện cho một thành phố du lịch, ngành văn hóa - thể thao và du lịch Hà Nội đang khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.

 

Theo đó, Hà Nội triển khai các tour du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch làng nghề và lễ hội truyền thống... bên cạnh các chương trình vốn là thế mạnh của thành phố là du lịch văn hóa lịch sử, du lịch Mice, du lịch phố cổ, phố nghề...

 

Ngoài các dự án đang được đầu tư như khu du lịch quốc gia Sóc Sơn, khu du lịch chuyên đề Cổ Loa, Hoàng Thành, Thành cổ, khu phố cổ... ngành văn hóa - thể thao và du lịch chỉ đạo các dự án khu hành chính mở rộng đẩy nhanh tiến độ.

 

Hiện nay, khu vực này có nhiều dự án du lịch quy mô lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ðó là dự án xây dựng khu du lịch sinh thái và vui chơi  giải trí Tuần Châu, Hà Tây với tổng vốn đầu tư 3.178 tỷ đồng, dự án đầu tư khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh với tổng vốn đầu tư 343 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng sân gôn Văn Sơn, diện tích 192 ha, vốn đầu tư 350 tỷ đồng... và hiện nay Công ty Cổ phần An Dưỡng Ðường đang trình quy hoạch phát triển du lịch hồ Tuy Lai (Mỹ Ðức) với diện tích hơn 1.100 ha; Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã lập xong quy hoạch chi tiết xây dựng dự án phát triển du lịch tại hồ Suối Hai với diện tích 1.970 ha để xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao.

 

Hiện nay, thành phố Hà Nội vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là xây dựng khách sạn cao cấp, các khu du lịch, vui chơi giải trí bằng nguồn vốn FDI và xã hội hóa.

 

Ngành văn hóa - thể thao và du lịch còn tập trung phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch, nghiên cứu khôi phục, tôn tạo một số làng cổ, làng nghề...

 

Hà Nội đang hướng đến đại lễ 1000 năm tuổi. Từ nay đến năm 2010 du lịch Hà Nội đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện, tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Với chiếc áo nhiều sắc mầu này, những người làm du lịch hy vọng Hà Nội sẽ phát triển xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Thành phố cũng đang đề nghị, năm 2010 là năm du lịch Hà Nội để chào mừng sự kiện đại lễ.
Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục