Tưng bừng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ
Đúng 8h sáng, đám rước vào đến sân đền. Trong không khí trang trọng, mang mầu sắc tưởng niệm từ âm thanh của phường bát âm đến hương thơm lan tỏa từ lư hương trầm... Tiếp đó là phần tế nữ do 12 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn trong trang phục áo dài với các mầu vàng, hồng, xanh, tím rực rỡ, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa thực hiện...
Tục truyền, Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ và sinh được bọc trăm trứng nở thành một trăm người con trai. Khi các con lớn lên, Mẹ Âu Cơ dẫn 50 con lên non khai hoang phục hóa, khai sáng rừng vàng. Cha Lạc Long Quân đưa 50 con xuống biển, rửa mặn thau chua mở nguồn biển bạc. Người con cả được tôn lên làm vua kế nghiệp cha đặt đô ở Phong Châu, lấy trên nước là Văn Lang, bắt đầu cho một kỷ nguyên mới Lạc Việt. Mẹ Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Trên con đường muôn dặm, một ngày kia Người đến trang Hiền Lương, thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với núi cao đồng rộng, sông dài, có hồ nước trong xanh bát ngát, cỏ cây hoa lá tốt tươi, cá chim muông thú dồi dào bèn cho khai hoang lập ấp... Khi trang ấp ổn định, Người lại cùng các con lên đường đến các vùng đất mới. Đến khi giang sơn thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Mẹ lại trở về Hiền Lương - nơi Người dừng chân để gắn bó cuộc đời mình. Đến ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, mẹ Âu Cơ cùng bầy tiên nữ bay về trời để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa, ở đó nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói. Từ đó trở đi, hàng năm, cứ vào ngày mồng 7 Tết - ngày mẹ giáng trần, nhân dân Hiền Lương và các vùng lân cận lại mở hội tưởng nhớ đến Mẹ Âu Cơ; dâng lên tiên Mẫu nén hương thơm tỏ lòng thành kính và biết ơn, để lòng lắng đọng suy nghĩ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mở rộng lòng nhân ái cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng là nguồn sức mạnh để dòng giống Lạc Hồng quyết tâm bảo vệ giang sơn của tổ tiên để lại, xây dựng đất nước ngày càng giầu đẹp, người người ấm no, hạnh phúc.