Tin tức - Sự kiện

Về cội nguồn Ðất Tổ

Cập nhật: 10/02/2009 19:02:18
Số lần đọc: 14324
Phú Thọ có địa hình đa dạng, từ vùng núi cao quanh năm mây phủ, miền đồi gò san sát như bát úp xanh thắm nương chè, rì rào tán cọ đến vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu màu mỡ với đồng lúa xanh rờn thẳng cánh cò bay, ngô xanh rờn đất bãi...Phú Thọ là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt Cổ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang.   
 Phú Thọ là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt Cổ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Ðây là nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng, trung du và miền núi. Mảnh đất này trải mấy ngàn năm lịch sử còn tồn tại và lưu giữ rất nhiều giá trị thiên nhiên và nhân văn vô cùng phong phú, tạo ra nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Phú Thọ có địa hình đa dạng, từ vùng núi cao quanh năm mây phủ, miền đồi gò san sát như bát úp xanh thắm nương chè, rì rào tán cọ đến vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu màu mỡ với đồng lúa xanh rờn thẳng cánh cò bay, ngô xanh rờn đất bãi... Nằm ở giữa miền bắc Việt Nam, tiếp giáp sáu tỉnh, với hệ thống sông ngòi, đồi núi đẹp như tranh, giao thông thuận tiện cả đường bộ, đường sông và đường thủy, Phú Thọ đã làm mê mẩn bao du khách qua đây. Ba con sông chính của tỉnh là sông Hồng, sông Ðà, sông Lô cùng hợp lưu tại Việt Trì thành phố ngã ba sông, quả là nơi "thủy tụ" để Vua Hùng thuở xa xưa đã đứng từ núi Nghĩa Lĩnh mà say ngắm đất trời, sông núi quyết định chọn đất đóng đô khởi dựng nghiệp nước. Hỏi ở đâu trên thế giới có Mộ Tổ chung cho cả dân tộc ngoài Việt Nam chúng ta? Phú Thọ chính là nơi đặt Mộ Tổ Vua Hùng để ngàn đời cháu con cứ đến tháng ba lại nô nức rủ nhau về thăm viếng.

Cùng với Mộ Tổ, Ðền Hùng, Phú Thọ còn rất nhiều di tích lịch sử văn hóa đầy huyền thoại và đậm chất sử thi. Hệ thống đình, chùa, miếu mạo khá phong phú: Ðền Mẫu Âu Cơ, đình Lâu Thượng, đình Hùng Lô, chùa Tam Giang, chùa Phúc Khánh... Gắn liền với di tích lịch sử văn hóa đó là các lễ hội truyền thống từ hàng ngàn năm truyền lại như hội Ðền Hùng, hội đền Mẫu Âu Cơ, hội Phết Hiền Quan, hội rước voi Ðào Xá, hội bơi chải Bạch Hạc, hội hát xoan, hát ghẹo Kim Ðức, hội trò trám Tứ Xã, hội rước Chúa Gái Hy Cương, hội ném còn, cồng chiêng, bắn nỏ của dân tộc Mường... Ngoài ra còn có các truyền thuyết, sự tích, thơ ca, hò vè của mỗi vùng quê rất đặc sắc: làng cười Văn Lang, thơ Bút Tre; thơ ca, nhạc, họa thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Hẳn trong tâm hồn mỗi người dân đất Việt không ai lại không biết đến "Du kích sông Thao", "Trường ca sông Lô", "Quê em"... những nhạc phẩm nổi tiếng đi cùng năm tháng của Ðỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Ðức Toàn; những bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu như "Bầm ơi!", "Bà bủ"...; những bức tranh tuyệt tác của các danh họa Tô Ngọc Vân...  Phú Thọ tự hào là mảnh đất cội nguồn của dân tộc và cũng là cái nôi của nền văn nghệ kháng chiến.

Phú Thọ có rất nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên, đa dạng và phong phú như đầm Ao Châu 99 ngách, như Ao Giời Suối Tiên, như vườn quốc gia Xuân Sơn thâm u và kỳ bí, như mỏ nước khoáng Thanh Thủy nóng rạo rực người, như thác Cự Thắng tung bờm ngựa bạc, như ngã ba Hạc lung linh mây trời, ngời xanh câu thơ phú Hạc... Phú Thọ còn nổi tiếng bởi những đặc sản có một không hai như bưởi Ðoan Hùng, hồng Gia Thanh, chè Phú Thọ, quýt Ðông Khê, trám Phù Ninh, cá Anh Vũ, thịt chó Việt Trì... với những chợ quê còn đậm chất nguyên sơ của vùng trung du Ðất Tổ. Người Phú Thọ mến khách, lam làm cần cù chịu khó.

Năm 2009 này, lần thứ hai Phú Thọ giữ trọng trách trưởng nhóm Chương trình Du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ. Công việc tưởng là quen song cũng rất bề bộn và có nhiều điểm mới. Lễ khai mạc Chương trình "Du lịch về cội nguồn" của ba tỉnh đồng thời cũng là khai mạc Chương trình "Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam" năm 2009 được tổ chức vào mồng sáu Tết (tức 31-1-2009).  Khoảng 12 lễ hội chính diễn ra suốt từ hôm khai mạc cho đến Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng ba, trên tất cả 12 huyện, thành, thị. Tiêu biểu là các lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa) diễn ra từ 5-7 Tết Kỷ Sửu, Trò trám Tứ Xã (Lâm Thao) từ 10-12, hội phết Hiền Quan (Tam Nông) từ 11-13, đền Du Yến (Thanh Ba) vào giữa ngày rằm, đình Phương Xá (Cẩm Khê) từ 14-16, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Tân Sơn từ 15-16, đình Thạch Khoán (Thanh Sơn) từ 24-26, rước voi Ðào Xá (Thanh Thủy) từ 27-29, đình Ngọc Tân (Ðoan Hùng) từ 30 tháng giêng đến hết ngày mồng 2  tháng hai năm Kỷ Sửu. Tiếp đó, trong tháng hai Kỷ Sửu có ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Yên Lập; hội chọi trâu Phù Ninh. Sang tháng ba Kỷ Sửu có lễ hội đình Hà Thạch (thị xã Phú Thọ)... tha hồ cho du khách bốn phương tìm hiểu phong tục tập quán và những nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền trên quê hương Ðất Tổ.

Ðể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về du lịch và làm cho năm "Du lịch về cội nguồn- 2009" tưng bừng, hiệu quả, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã xây dựng chương trình "Mời bạn về thăm quê hương Ðất Tổ". Chương trình này có chín tua du lịch đều xuất phát từ Việt Trì theo các ngả đến với những danh lam, thắng cảnh của Phú Thọ. Thứ nhất, đi Ðền Hùng du khách sẽ được thăm khu di tích lịch sử đền Hùng, bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật liên quan đến 18 đời Vua Hùng dựng nước và giữ nước, thăm đình Hùng Lô, ngôi đình cổ kính và có kiến trúc đặc sắc. Thứ hai, đi Lâm Thao du khách sau khi thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng sẽ được tham quan khu công nghiệp Supe và hóa chất Lâm Thao, đơn vị ba lần Anh hùng, thăm làng nghề ủ ấm và chợ quê Sơn Vi, thăm đình Hùng Lô. Thứ ba, đi thăm khu du lịch sinh thái đầm Ao Châu để được bồng bềnh trên du thuyền thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của 99 ngách đầm, trên là đồi chè, rừng cây xanh thắm, dưới là cá vàng cá bạc lượn bơi. Thứ tư, đi vườn quốc gia Xuân Sơn, khu rừng nguyên sinh rộng hàng trăm héc-ta với rất nhiều động thực vật quý hiếm, nhiều hang động mà gắn với nó là những câu chuyện huyền thoại tưởng như trong mơ. Du khách sẽ thăm phố Vàng, mua sắm ở chợ miền núi, cùng sinh hoạt với bản Mường để tìm hiểu nhiều phong tục tập quán lạ. Thứ năm, đi thăm khu công nghiệp Bãi Bằng. Ðây là Nhà máy giấy với công nghệ sản xuất hiện đại của Thụy Ðiển. Du khách sẽ ngợp bởi không khí lao động sản xuất cùng với những thiết bị tối tân hiện đại của nhà máy để thấy được bước tiến công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Thứ sáu, đi Thanh Thủy. Trước đó, du khách sẽ được tham quan đền, chùa Tam Giang, Bạch Hạc, sau đó sẽ thăm căn cứ chiến thắng Tu Vũ và tắm nước khoáng nóng, nguồn nước được khai thác từ sâu trong lòng đất được các nhà khoa học đánh giá có hàm lượng khoáng rất cao, rất tốt cho sức khỏe. Thứ bảy, đi Ðền Mẫu Âu Cơ, ngôi đền vừa được hoàn thành với kiến trúc rất độc đáo và hoành tráng nằm trên đất huyện Hạ Hòa. Thứ tám, đi Xuân Sơn, La Phù để được bồng bềnh trên sông Bứa, nghỉ tại khách sạn sông Vàng sau khi thăm hang động của khu rừng quốc gia Xuân Sơn. Thứ chín, đi Hiền Quan để dự hội Phết, tham gia trò chơi độc đáo mỗi năm chỉ có một lần vào ngày 13 tháng giêng, tưởng nhớ Thiều Hoa, một nữ tướng giỏi của Hai Bà Trưng.

Ngay từ những ngày đầu năm 2009, Phú Thọ đã cùng hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai bước vào một năm du lịch mới. Với trách nhiệm "trưởng nhóm", với tiềm năng và lợi thế thiên nhiên, với truyền thống văn hóa cội nguồn dân tộc và lòng hiếu khách của người dân Ðất Tổ, chắc chắn Phú Thọ sẽ được nhiều du khách trong và ngoài nước về thăm. Ðã rộn vang đâu đây lời ca xoan ghẹo cất lên du dương mời gọi. Và tiếng trống đồng thiêng liêng vang lên từ Ðền Hùng gọi bao tiếng trống làng cùng hòa ca mở hội. Xuân mới dập dìu trước ngõ.
Chào Kỷ Sửu 2009! Chào năm du lịch về cội nguồn!
Xin mời bạn hãy về thăm Ðất Tổ./.
Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT