Vùng đất ngọt lành bên bờ sông Hậu
Từ thành phố Hồ Chí Minh theo quốc lộ 1 chừng 170km, hoặc từ thành phố Cần Thơ qua phà Hậu Giang đi khoảng 2km đến ngã ba Cái Vồn (Bình Minh), rẽ vào quốc lộ 54, đi chừng 15km qua phà Mang Thít là đến Trà Ôn.
Đến Trà Ôn, đầu tiên khách sẽ đi thuyền nhỏ tham quan chợ nổi họp ở đầu vàm sông Mang Thít. Chợ nổi này có từ rất lâu đời, bán đủ loại hàng hóa. Nhịp mua bán nơi đây nhộn nhịp gần như suốt ngày. Nhiều nhất vẫn là nông, thủy hải sản ở dạng nguyên hoặc đã qua sơ chế và hàng thủ công. Sau khi đi chơi chợ nổi, khách nên qua cù lao Lục Sĩ Thành, để có dịp đi xuyên qua những vườn măng cụt cổ thụ rợp mát, những vườn bưởi Năm Roi, cam sành, quýt đường oằn trái để cảm nhận được sự trù phú của một “vương quốc trái cây” trên sông Hậu. Lội bộ mệt, bạn có thể ghé một quán lá ven đường làng, ngả lưng lên cánh võng, uống ly nước dừa xiêm mát lịm, nghe Út Trà Ôn ca “Tình anh bán chiếu”... phát ra từ máy hát!
Nằm cạnh quốc lộ 54, cách thị trấn Trà Ôn chừng 5km trên đường về huyện Cầu Kè (Trà Vinh) là Lăng ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát. Tiền quân Thống Chế Điều Bát tên thật là Thạch Duồng, người dân tộc Khmer, quê làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Do có công với triều Nguyễn nên ông được ban quốc tính - họ Nguyễn, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tồn. Di tích này là một kiến trúc mang dáng dấp đình miếu truyền thống Nam bộ. Diện tích lăng rộng khoảng 8.000m2, là một quần thể nhiều công trình kiến trúc đẹp kết hợp hài hòa. Khu vực lăng mộ có nhiều cổ thụ, cây cảnh, hoa kiểng với nhiều tư thế độc đáo, lạ mắt.
Vào lăng phải qua hai cổng: bên ngoài là một cổng tam quan, có khắc nổi hai câu đối hai bên cột. Trên mái ngói âm dương cổng tam quan có tượng lưỡng long tranh châu. Các màu sắc trang trí chủ đạo trong, ngoài lăng là màu vàng, đỏ đặc trưng của đình chùa, am miếu truyền thống. Đi sâu vào khoảng 10 mét, khách sẽ gặp cổng thứ hai. Qua cổng này sẽ tới khuôn viên lăng, rồi đến lăng. Phía trước lăng có một bức bình phong được trang trí hình hoa sen cánh hồng, lá xanh trên nền vôi trắng, toát lên vẻ thanh tịnh, yên bình.
Lăng chia làm ba ngôi. Ngôi giữa là chính điện thờ Tiền quân Thống Chế Điều Bát. Chính điện được chia ra nhiều gian thờ. Gian phía trước là bàn thờ Phó soái Nguyễn An - thủ lĩnh nghĩa quân kháng Pháp, hy sinh ở Trà Ôn năm 1872. Gian giữa là bàn thờ hội đồng. Gian trong cùng là gian thờ Tiền quân Thống chế Điều Bát. Trong chánh điện có rất nhiều võng lọng, đồ thờ cúng có màu sắc rực rỡ, trang trọng cùng với nhiều câu đối, thơ, ca tụng công đức của người và các bậc anh hùng, tiền hiền có công lao với xứ sở.
Ngôi mộ của Tiền quân Thống Chế Điều Bát và phu nhân an vị ở phía sau lăng. Xung quanh mộ có tường vôi ô-dước dầy bao bọc với bình phong, trụ liễu được trang trí phù điêu hoa lá, trước vuông mộ có đôi kỳ lân đứng chầu, trấn môn. Khu lăng mộ này, đến nay đã trải qua các lần trùng tu vào những năm 1937, 1953, 1960, 1994, và lần mới đây nhất vào năm 2005. Hàng năm, nhân dân Trà Ôn tổ chức lễ giỗ ông rất trang nghiêm và long trọng theo nghi thức lễ hội truyền thống dân tộc vào các ngày mùng 3, mùng 4 tháng Giêng âm lịch. Bên cạnh các nghi lễ cúng tế, Ban trị sự lăng còn tổ chức múa lân, sư, rồng, hát bội, trình diễn nhạc ngũ âm, tổ chức các trò chơi dân gian tạo không khí lễ hội long trọng và hấp dẫn. Lăng Tiền quân Thống chế Điều Bát được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay la Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 13/2/1996.
Từ Lăng Thống Chế, xuôi thêm vài cây số theo quốc lộ 54 về hướng Nam, khách sẽ gặp mộ Hàm Sô. Ông Hàm Sô là một địa chủ giàu có xứ Trà Ôn. Người dân địa phương kể lại: sinh thời để mua được chức “Hàm” – ông ta phải bỏ ra 10.000 giạ lúa! Trước khi chết, Hàm Sô dặn con cháu xây lăng mộ cho mình giống như các vua chúa, quan lại bên Tàu. Đường vào mộ phải qua chín cổng (cửu trùng). Hiện nay chỉ có ba cổng! Cổng được xây dựng theo phong cách cổ trang khá hoành tráng. Qua thời gian, công trình nầy bị rong rêu mọc bám trông rất thâm u, ấn tượng. Ngày nay, khu vực nhà mồ Hàm Sô đã bị dân lấn chiếm, cạy phá lấy gạch gỗ... nên trông hoang phế. Gần khu mộ còn một hồ nước xây bằng đá hộc khá lớn, xưa kia có nhà thủy tạ với ao sen là nơi ngoạn cảnh của ông Hàm...
Ở Trà Ôn còn có chùa Khmer Gò Xoài ở xã Tân Mỹ, đây là một trong những ngôi chùa cổ của người Khmer ở tỉnh Vĩnh Long được xây dựng vào giữa thế kỷ 16. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử như bia đá, lá sima, tượng Phật Thích Ca...