Các di tích lịch sử ở Bến Tre
Từ thị xã Bến Tre về huyện Ba Tri, đường tráng nhựa phẳng phiu chỉ hơn 30 cây số. Xuyên qua những “con” giồng cao ráo khách sẽ đến xã An Đức- nơi yên nghỉ cuối đời của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Trước khi vào lăng, khách có thể ghé vào một quán “bên đường” trước cổng Lăng vừa nghỉ ngơi, vừa thưởng thức hương vị ngọt ngào, thanh tao của trái dừa dứa hoặc dừa ngọn - đặc sản của xứ dừa. Đứng trước cổng Lăng, lòng bạn sẽ tràn ngập ấn tượng về sự trang nghiêm và thành kính. Đây là công trình quốc gia, kiến trúc kiểu đình chùa với khuôn viên hoa cỏ xinh đẹp, hết sức bề thế, xứng với sự nghiệp lớn lao của một nhà nho yêu nước.
Vào tòa nhà thờ, trong cái mát rượi của kiến trúc, du khách chiêm ngắm bức tượng đồng uy nghi của cụ toát lên hào khí con dân đất Đồng Nai, một nhà nho tiết tháo kiên cường, một nhà giáo mẫu mực, một lương y giàu lòng nhân ái, một người con trung hiếu với Tổ quốc, một “vì sao càng nhìn càng sáng”. Hai bên tường tòa nhà, có treo hai bức phù điêu gỗ khá to, bức bên trái miêu tả cảnh nghĩa quân Cần Giuộc chiến đấu với thực dân Pháp, bức bên phải mô tả cảnh cụ Đồ đọc văn tế nghĩa quân trước đồng bào. Trên phù điêu này khắc họa bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nổi tiếng của cụ Đồ Chiểu. Bước về phía sau tòa nhà thờ bạn sẽ đặt chân giữa những bồn cỏ xanh tươi, những bồn hoa tươi tắn ẩn mình dưới bóng mát của những tàn cây cổ thụ, đó là nơi yên nghỉ của cụ Nguyễn Đình Chiểu và cô con gái tài hoa của cụ là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.
Địa điểm di tích kế tiếp thu hút nhiều du khách là nơi có ngôi đình cổ được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993 ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Đình Phú Lễ cất vào năm 1826, có thềm và móng bằng đá xanh, bên trên xây gạch, cột gỗ lim đường kính khoảng 40cm, mái lợp ngói vẩy cá. Đình có 10 gian: 6 gian chính liền mái và 4 gian phụ bố trí theo hình chữ “Đinh”, nằm trong bóng mát của hàng trăm cây dầu cổ thụ càng tăng thêm nét thâm nghiêm, trầm mặc. Đình Phú Lễ là một trong những ngôi đình lớn và đẹp nhất trong các đình làng quê ven biển Bến Tre và thuộc loại cổ nhất Nam bộ. Hằng năm, đình tổ chức lễ kỳ yên vào ngày rằm tháng 3 âm lịch. Vào ngày kỳ yên, làng quê Phú Lễ sẽ rộn ràng, sôi động với những lễ nghi trang trọng, những buổi cúng tế truyền thống với hương đăng hoa quả rỡ ràng, nhất là những đêm hát bội...
Nhiều người cũng thích đến Đình Phú Tự nằm tại thị xã Bến Tre. Đình Phú Tự được xây dựng trên gò đất cao nhất vùng, xưa gọi là Gò Xoài. Tương truyền, thời vua Minh Mạng, khi dân địa phương chọn nơi này dựng đình, đã có cây Bạch mai được trồng từ lâu. Đầu thế kỷ 20, đình được trùng tu đổi theo hướng Đông Nam nhìn ra sông Bến Tre nên cây Bạch mai đứng ngay giữa sân đình, bên cạnh đàn Xã tắc, càng tôn thêm vẻ thanh nhã, trang nghiêm của đình. Hiện nay, cây Bạch mai sinh sôi, nảy nở mọc thành bụi dày với khoảng 50 thân lớn nhỏ, cao 5-6m, trong đó có 16 thân lớn, đường kính từ 20-30cm. Các nhánh lớn vươn mình trong tư thế nằm ngang mặt đất, dài từ 7-8m, tỏa thành tán rộng chiếm diện tích khoảng 250m2. Vì cành nhánh xum xuê và nặng nề nên cây Bạch mai được chống đỡ bằng nhiều trụ xi măng cho thấy tuổi tác “đáng nể” của nó. Vào giữa tiết Lập xuân và tiết Thanh minh (từ rằm tháng Giêng đến rằm tháng hai âm lịch) hằng năm, đến đây bạn sẽ thấy cây Bạch mai 300 năm tuổi này nở hoa trắng xóa, tỏa hương thơm ngát cả một vùng (đặc biệt, hoa chỉ nở vào ban đêm). Đây là một trong ba cây Bạch mai có tuổi thọ cao nhất nước, còn được mệnh danh là: “Cổ thụ mai”, “Thần mai”, “Danh mộc Bạch mai”.
Bến Tre còn một di tích lịch sử được ghé thăm: lăng của “Nữ tướng đội quân tóc dài” Nguyễn Thị Định. Lăng tọa lạc tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Nằm giữa khuôn viên rộng 1,5 ha. Kiến trúc lăng của nữ tướng giản dị nhưng không kém phần trang nghiêm. Giữa lăng có bức tượng đồng bán thân của thiếu tướng Nguyễn Thị Định, cao 1,75m nặng hơn 1 tấn, do Trung tá Nguyễn Phước Tùng ở Bộ Tư lệnh quân sự Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng tạc. Tác phẩm này rất nghệ thuật bởi đã khắc họa được thần thái kiên định và tấm lòng nhân ái, trong sáng của bà Nguyễn Thị Định.