Di tích lịch sử quốc gia bến Nghiêng, đảo Hòn Dấu (Hải Phòng)
Bến Nghiêng- biểu tượng chiến thắng
Ngày 15/5/1955, tại bến Nghiêng, chiếc tàu quân sự kiểu há mồm đợi sẵn đón đoàn quân thất trận, những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Từ đây, Hải Phòng và miền Bắc sạch bóng quân xâm lược và bến Nghiêng trở thành di tích minh chứng cho thắng lợi hoàn toàn sau 9 năm kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Hình ảnh đoàn quân viễn chinh Pháp lưng đeo ba lô thất thểu trên bến Nghiêng xuống tàu đọng mãi trong ký ức người dân thành phố và trên từng trang sách về cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, ác liệt mà oai hùng của dân tộc ta. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bến Nghiêng trở thành bến tàu phục vụ vận tải tiếp tế hàng hoá cho cuộc chiến đấu bảo vệ đảo đèn Hòn Dấu, nơi được coi là mắt ngọc của Tổ quốc có nhiệm vụ soi sáng, dẫn đường cho các chuyến tàu biển ra vào, cập bến cảng Hải Phòng.
Bến Nghiêng toạ lạc giữa phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, sau lưng là ngọn núi thuộc dải Cửu Long, phía trước là bãi tắm khu 2 trông ra cửa biển “Ba Lộ”, nơi thế kỷ 11 vua Lý Thánh Tông từng ngự du thị sát để bảo vệ bờ cõi, rồi cho xây dựng tháp Tường Long. Dấu ấn của di tích bến Nghiêng là bến tàu nhỏ được xây dựng bằng xi măng, cốt thép có kiểu dáng nằm nghiêng. Theo một số người dân sống quanh khu vực di tích, những tấm bê tông này vẫn còn nguyên vẹn từ thời thực dân Pháp xây dựng, chưa một lần sửa chữa lại. Góp phần tôn thêm vẻ đẹp, giới thiệu nội dung và giá trị di tích, năm 2005, biểu tượng của bến Nghiêng được thành phố xây dựng và hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2005). Hằng ngày, nhất là vào dịp khai hội đảo Dấu và mùa du lịch, hàng nghìn lượt người đến thăm và xuống tàu ra đảo Dấu và đến các vùng lân cận. Đây là dịp để mỗi người dân thành phố, khách du lịch trong và ngoài nước hiểu hơn địa danh lịch sử này, góp phần tuyên truyền, gìn giữ di tích bến Nghiêng.
Đảo Dấu, món quà thiên nhiên ban tặng
Đảo Dấu nổi tiếng với lễ hội truyền thống vào ngày mồng 8, 9, 10 tháng 2 hàng năm, thu hút hàng vạn lượt du khách đến tham dự. Nhưng sức hút của hòn đảo không chỉ đến từ các hoạt động của lễ hội này mà còn chính từ truyền thống tín ngưỡng của ngư dân miền biển được bảo tồn qua ngôi đền thờ Nam Hải thần vương, một trong những điểm linh thiêng theo quan niệm của người Đồ Sơn, nhất là với những ngư dân. Trước mỗi lần đi biển, ngư dân nơi đây không quên đến thắp hương; trở thành tập tục lâu đời, nét đẹp văn hoá tâm linh nơi cửa biển này. Đảo Dấu còn ghi lại truyền thống thời chống Mỹ qua ngọn hải đăng Hòn Dấu.
Từ bến Nghiêng du khách có thể ngắm toàn cảnh đảo Dấu, nổi bật trên đỉnh đảo là ngọn hải đăng nổi tiếng sừng sững cùng năm tháng và sau 25 phút đi tàu, hoặc 10 phút đi ca-nô, khách du lịch ra đến đảo. Một cảm giác dễ chịu đến lạ lùng bởi khí hậu mát mẻ, trong lành, thiên nhiên hoang sơ đến với mỗi người. Chủ tịch UBND quận Hoàng Đình Bình cho biết: “Ở đây có khu rừng nguyên sinh, danh thắng thiên nhiên rất hoang sơ, cổ kính với hàng nghìn cây đa, si và nhiều loại cổ thụ có cách đây hàng trăm năm. Đó là tài sản quý giá thiên nhiên ban tặng Đồ Sơn. Giá trị cảnh quan này được quận bảo tồn nguyên vẹn, chưa bị con người tác động hoặc làm biến dạng”. Trên đảo có cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân xù xì, rễ tua tủa, cành đâm xuống đất. Sâu hơn là những thảm thực vật được coi như khu rừng nguyên sinh với những loài gỗ quý như kim giao. Người Đồ Sơn coi đảo Dấu là hòn đảo thiêng nên không ai nghĩ đến chuyện ra đảo khai thác, vụ lợi. Không một nhà dân sống trên đảo rộng gần 14 ha này, ngoài ngọn hải đăng, trạm biên phòng và trạm khí tượng thuỷ văn. Ngoại trừ đường vào các cơ quan đóng gần bờ đảo, các khu vực khác không có đường đi tạo hứng thú cho những ai đến đây khám phá về đảo cũng như để bảo tồn đảo nguyên vẹn.
Ngọn hải đăng Hòn Dấu được xây dựng từ năm 1884, là một trong những ngọn đèn có lịch sử xây dựng lâu đời nhất. Trong kháng chiến chống Mỹ, hải đăng Hòn Dấu trở thành mục tiêu đánh phá của đế quốc Mỹ với 116 trận oanh kích. Năm 1967, ta xây dựng lại ngọn hải đăng sau khi cây đèn cao 65,8m bị bom Mỹ đánh đổ. Ngọn đèn không ngừng sáng trong đêm, với khẩu hiệu một thời oanh liệt: “Còn đảo, còn người, hải đăng còn nháy sáng”.
Giá trị của di tích bến Nghiêng và đảo Dấu được khẳng định cùng với quần thể di tích và danh thắng du lịch Đồ Sơn. Vấn đề là biến tiềm năng và lợi thế của trọng điểm du lịch này thành sức hấp dẫn thực sự đối với du khách, góp phần nâng tầm du lịch Đồ Sơn và Hải Phòng. Bí thư Quận uỷ Đồ Sơn Lê Khắc Nam cho biết: “Tổ chức đón nhận di tích quốc gia bến Nghiêng, đảo Dấu và khai hội đảo Dấu là hoạt động mở màn cho mùa du lịch 2009 và cũng là khởi đầu thực hiện chủ trương gắn hoạt động lễ hội, du lịch với bảo đảm an sinh xã hội của quận".