Non nước Việt Nam

Văn hóa Việt với Festival nghề truyền thống Huế 2009

Cập nhật: 01/06/2009 10:06:00
Số lần đọc: 2083
Festival nghề truyền thống Huế 2009 dự kiến được tổ chức từ ngày 12-14/6/2009, với chủ đề "Nghề truyền thống Huế - Bản sắc và phát triển". Đây là cuộc gặp gỡ, tôn vinh những nghệ nhân nghề gốm, pháp lam và sơn mài...

 

Với mục tiêu vực dậy các nghề truyền thống của tỉnh và nhiều địa phương khác trong cả nước, phát huy đúng tiềm năng, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế xã hội trên địa bàn.

Ông Phan Trọng Vinh - Chủ tịch UBND TP. Huế - Trưởng Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2009  cho biết: Theo thông lệ, bên cạnh các kỳ Festival Huế do tỉnh tổ chức vào các năm “chẵn”, TP. Huế chịu trách nhiệm tổ chức festival chuyên đề vào các năm “lẻ”. Thực hiện chủ trương đó, TP. Huế đã chọn nghề thủ công truyền thống để tổ chức các kỳ festival chuyên đề, bắt đầu từ năm 2005 với nghề thêu và chằm nón, năm 2007 với các nghề mộc mỹ nghệ, đúc đồng, kim hoàn và năm 2009 với nghề gốm, sơn mài, pháp lam. Cả ba kỳ festival chuyên đề đều thống nhất một chủ đề: “Nghề truyền thống Huế - bản sắc và phát triển”.

Tiếp tục phát huy kết quả của 2 kỳ Festival nghề truyền thống 2005, 2007, đặc biệt là sự thành công tốt đẹp của Festival Huế 2008, Festival nghề truyền thống Huế 2009 sẽ có những điểm mới lạ, hấp dẫn hơn so với 2 lần trước với rất nhiều hoạt động đặc sắc, phong phú, được chuẩn bị rất công phu.

Đây là festival nghề truyền thống có quy mô tổ chức lớn hơn so với 2 kỳ trước, không gian lễ hội trải dài cả hai bờ Bắc và Nam sông Hương, với sự tham gia của hầu hết các làng nghề nổi tiếng trong cả nước về gốm, sơn mài, pháp lam. Festival nghề truyền thống Huế năm nay còn gắn với sự kiện kỷ niệm 110 năm cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba nên càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tại không gian tôn vinh, quảng bá, giao lưu và giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của ba nghề gốm, sơn mài, pháp lam ở khu trung tâm 15 Lê Lợi và dọc đường Nguyễn Đình Chiểu sẽ có khu trưng bày cổ vật đặc sắc và lớn nhất từ trước đến nay ở Huế về gốm sứ, sơn mài, pháp lam, như chuyên đề “Dặm dài đất nước qua các cổ vật”, “Dòng sông kể chuyện”...Các hoạt động trong văn hoá nghệ thuật như chương trình ca múa nhạc “Lời ru dòng sông” (tối 12/6), đặc biệt là chương trình nghệ thuật cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba tại sân khấu bãi bồi Đập Đá (tối 13/6) sẽ là một bất ngời thú vị... Ngoài ra, từ 10-14/6/2009, Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2009 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức tại Công viên Thương Bạc Huế sẽ góp phần làm cho Festival nghề truyền thông Huế 2009 sôi động, hấp dẫn, hoàng tráng... Điều đặc biệt quan trọng là cũng trong dịp lễ hội festival lần này “Hội áo dài” chính thức được công bố và ra mắt vào đêm 13/6 đây là một dịp quy tụ nghệ nhân phô diễn những màu áo dài truyền thống của Việt Nam làm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là điểm nhấn của lễ hội, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra địa bàn TP. Huế là trung tâm của các kỳ festival Huế, nhất là từ năm 2000 trở lại đây. Đặc biệt là sau khi có Quyết định 143/TTg/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án xây dựng Huế thành thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, thì việc chuẩn bị về sơ sở vật chất cho các kỳ festival ngày càng được Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, trong đó trọng tâm là công tác chỉnh trang đô thị; điều chỉnh và triển khai từng bước các qui hoạch đã được phê duyệt; bổ sung, nâng cấp và xây dựng mới nhiều cơ sở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Huế đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch kinh tế - xã hội của thành phố trong nhiều năm nên mới có được bộ mặt thay đổi khá toàn diện của đô thị Huế như hiện nay. Riêng việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho Festival nghề 2009, chính quyền thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng tiếp tục giải quyết các nhiệm vụ nêu trên trong năm 2008, 2009. Đến nay công tác tổ chức Festival nghề truyền thống 2009 đã được triển khai đúng kế hoạch và tiến độ dự kiến. Chỉ còn ít ngày nữa festival sẽ diễn ra nên công tác chuẩn bị hết sức khẩn trương, bề bộn song vẫn được ban tổ chức chỉ đạo triển khai nghiêm túc, hiệu quả nhằm đảm bảo cho một kỳ festival diễn ra an toàn, hấp dẫn, đúng kế hoạch. Tiếp tục phát huy chủ đề “Nghề truyền thống Huế - bản sắc và phát triển”, ý tưởng của Festival nghề 2009 là sáng tạo vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển của thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Festival nghề truyền thống Huế năm 2005, 2007, 2009 luôn là cuộc hội tụ lớn của các nghệ nhân nghề và làng nghề tiêu biểu trong cả nước, trong đó có Thừa Thiên Huế. Festival nghề truyền thống Huế 2009 có sự tham gia của 150 nghệ nhân đến từ 15 làng nghề truyền thống nổi tiếng (Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Hạ Thái, Phù Lãng, Phước Tích, Cát Đằng, Thanh Hà, Châu Ổ, La Tháp, Bầu Trúc, Trương Bình Hiệp, Quảng Nam, Thủ Dầu Một, Pháp Lam Huế...).

Ông cũng cho biết: Trên phạm vi toàn quốc, không phải nghề và làng nghề truyền thống nào cũng gặp khó khăn. Đã có không ít nghề và làng nghề truyền thống hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là khu vực phía Bắc và phía Nam như gốm Chu Đậu, Bát Tràng, Phù Lãng, Bình Dương, Vĩnh Long; sơn mài Hạ Thái, Cát Đằng, Thủ Dầu Một...

Ở phạm vi từng địa phương, trong đó địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, vốn là những nơi có các nghề và làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời như gốm Bầu Trúc (Ninh Thuận), gồm Thanh Hà (Hội An), gốm Châu Ô (Quảng Ngãi), gốm Quảng Đức (Phú Yên), gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế); đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam); đúc đồng Phường Đúc (TP. Huế)... đều có rất nhiều nỗ lực để tìm cách tồn tại và phát triển, trước hết dựa vào chính nội lực của các làng nghề đó và hầu hết trong số đó đến nay vẫn phát triển tốt. Bên cạnh đó, một số làng nghề tưởng chừng như đã bị “xoá sổ” như làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế) song từ nhiều năm nay vẫn đang nỗ lực để phục hồi thương hiệu của mình, điều này rất đáng hỗ trợ, khuyến khích.

Như vây, trong quá trình hội nhập kinh tế thị trường hiện nay, nếu nghề và làng nghề truyền thống nào có sản phẩm phục vụ tốt nhu cầu cuộc sống, biết cách để phục hồi sản xuất và khẳng định được mình, giành được thị phần thì sẽ tồn tại và phát triển với phương châm bằng nghề truyền thống của mình sản xuất ra những sản phẩm mà xã hội cần, phục vụ cho cuộc sống của con nguời hiểu biết về kinh tế và văn hoá của địa phương.

Festival nghề truyền thống do thành phố Huế tổ chức là một sự kiện lễ hội – văn hoá chứ không phải là các giải pháp kích cầu đối với nghề và làng nghề truyền thống. Festival là một cuộc hội tụ và biểu dương lực lượng lớn của các nghề và làng nghề nổi tiếng trong cả nước; là cơ hội quảng bá; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau giữa các nghệ nhân tiêu biểu của các làng nghề. Festival còn là dịp tôn vinh các nghệ nhân và sản phẩm của họ góp phần làm cho xã hội, công chúng hiểu biết sâu sắc hơn về những giá trị văn hoá và kinh tế mà họ đã đóng góp cho sự phồn vinh của xã hội. Đó là những mục đích tốt đẹp mà các kỳ Festival nghề truyền thống Huế hướng đến.

 

Nguồn: PATA Vietnam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT