Non nước Việt Nam

Mường Thanh (Điện Biên)– Vùng đất thần thoại

Cập nhật: 27/05/2009 13:43:02
Số lần đọc: 2222
Mường Thanh, đọc theo âm Thái là “Mướng Theng”. “Mướng Theng” nguyên là “Mướng Then” (Mường Trời). Vì sao đất Điện Biên lại có cái tên thần thoại ấy? Là vì không biết từ đời nào, dân tộc Thái và những dân tộc có họ gần với dân tộc Thái, mỗi khi kể chuyện khai thiên lập địa và nguồn gốc loài người (loại chuyện kiểu như Sáng thế ký, mở đầu phần Cựu ước trong Kinh Thánh) đều nhất thiết nói đến đất Mường Thanh như một nơi gốc gác phát nguyên. Trên đất Mường Thanh hiện nay còn hai nơi có liên quan đến chuyện sinh thành con người.

Đó là bản TẩuPung thuộc xã Nà Tấu (Ná Táu) ở phía đông bắc huyện, và hồ U Va thuộc xã Noong Luống ở phía tây nam huyện. “Tẩu Pung” là một loại quả bầu to, có dây leo. Từ quả bầu đó, các giống người “chui” ra. Bản Tẩu Pung hiện nay còn một quả núi hơi giống quả bầu. Còn hồ U Va ở sát ngay Pá Nặm, nơi sông Rốm và sông Núa gặp nhau. Ngày xửa ngày xưa, từ hồ này có dây khau cát (dây sắn rừng) dùng làm đường lên xuống giữa cõi trời và cõi người.

Cứ theo “Truyện kể bản mường” của người Thái thì con người không phải là do “Chúa trời lấy bụi đất mà nặm ra”. Con người được Trời (Then) cử người xuống trần gian để dựng bản lập mường. Xuống trần, con người phải trải qua “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” rồi mới đứng vững trên mặt đất mà sinh sôi nảy nở. Lần thứ nhất xuống trần, con người còn dại lắm, sống “trần truồng như bầy thú, hỗn độn không cùng giống, vạn người không cùng bản”. Then phải gọi họ về trời. Lần thứ hai, lớp người khác xuống đã khá hơn, nhưng vì người già người lột, “sống lâu mãi phát chán vì không được về trời”, bèn làm nhiều việc trái ý Then. Then phát cáu, gây ra lại hồng thuỷ (tạm dùng chữ của Sáng thế ký) . Đến đây, xin phép nói vào một ý, là con người ta thuở xưa, bất cứ ở dưới gầm trời nào, vào lúc trí nghĩ còn thơ ngây, thường có những suy ngẫm chẳng ai bảo ai mà rất giống nhau về nguồn gốc của mình, về sự hình thành đồn đất, núi sông. Sự suy ngẫm rất thơ ngây và cũng rất nên thơ ấy xét ra cũng bắt nguồn từ thực tế: “đại hồng thuỷ” chẳng qua là những trận mưa thái cổ, những đọt biển ra biển vào kéo dài hàng trăm triệu năm; “trần truồng như bầy thú” chẳng qua là con người mới thoát ra khỏi số phận loài vượn, tuy đã thành người nhưng còn hoang sơ lắm.

Theo truyền thuyết, đất Mường Thanh đã từng là bối cảnh của một tấn bi kịch mà Lạn Chượng là một nhân vật chính. Câu truyện bắt đầu từ ở Mường Muổi. Nguyên ở đây có chúa Ăm Poi, cũng là một chiến tướng vô địch. Lạn Chượng đánh mãi không thắng nổi. Ăm Poi là người La Ha (mà người Thái gọi là xả khao: xá trắng).

Không thắng nổi ăm Poi, Lạn Chượng lập mưu xin lấy con gái Ăm Poi, là nàng Ho Quảng, làm vợ. Ăm Poi nhận lời. Sau khi gả con gái mình cho Lạn Chượng, Ăm Poi lên Mường Thanh, vợ chồng Lạn Chượng cũng theo lên. Lạn Chượng lập dinh luỹ ở quả đồi nay gọi là A1, lại có nhà ở đầu suối Nặm Pe. Một hôm, Ăm Poi về qua một bãi lau rậm, bị Lạn Chượng cho phục binh giết chết (có truyền thuyết nói Lạn Chượng giết bố vợ ngay ở Mường Muổi). Được tin bố bị giết, nàng Ho Quảng rất đau khổ, quyết tìm cho ra thủ phạm. Sau đó ít lâu, con trai út của Lạn Chượng không ốm đau gì mà lăn ra chết. Cho là trời báo oán, đêm khuya, Lạn Chượng khóc con:

Ngựa khoẻ chạy trước trâu

Con trai chết trước bố

Làm ác với họ ngoại thật không hay

Giết chủ bản mường, thật không tốt

ối con ơi!

Lạn Chượng tưởng vợ đã ngủ say, không nghe tiếng khóc. Chẳng ngờ nàng Ho Quảng vẫn thức, và thế là nàng đã biết một sự thật khủng khiếp: Kẻ giết cha mình lại chính là chồng mình. Từ đó nàng không ở cùng dinh luỹ với Lạn Chượng nữa mà xin đóng quân riêng (vì nàng cũng là một chiến tướng). Ho Quảng đóng quân ở đồi Pom Loi (nay là đồi Cháy). Giữa đồi Lạn Chượng và đồi Pom Loi có bắc một cái cầu cạn để chồng đi thăm vợ. Một hôm Lạn Chượng cưỡi ngựa qua cầu sang, bỗng bị một mũi tên từ Pom Loi bay vút tới, cắm trúng tim. Nàng Ho Quảng đã trả thù cho bố. Vì chút tình chồng nghĩa vợ, Ho Quảng làm lễ tang cho Lạn Chượng ở đồi Pom Loi (đồi Lễ Tang) và chôn xác Lạn Chượng ở đồi Pom Ca (đồi Sa Nhân). Pom Ca là đồi F.

Nguồn: website báo Điện Biên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT