Non nước Việt Nam

Độc đáo tượng nhà mồ của dân tộc thiểu số Phú Yên

Cập nhật: 29/05/2009 07:58:02
Số lần đọc: 2294
Những ai có dịp về các huyện miền núi tỉnh Phú Yên, đi qua những quả đồi hình bát úp hay một khu đất hoang men theo triền núi, sẽ bắt gặp những ngôi nhà mồ mái lợp tranh hoặc lợp ngói, trước nhà mồ có cây nêu cao vút, còn bốn góc ngôi nhà mồ có những tượng người, tượng vật. Tục làm nhà mồ, dựng nêu, đẽo tượng là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện tính cộng đồng của các dân tộc Ê Đê, Chăm H’roi, Ba Na…

Tượng nhà mồ làm từ gỗ, được đẽo, phạt bằng rựa, rìu, dao… Đường nét tượng thô sơ song trông rất sinh động và mỹ thuật thể hiện trí tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân người dân tộc thiểu số. Tượng nhà mồ có thể là một người thiếu nữ địu con sau lưng, một cụ già đôi mắt đăm chiêu nhìn về những dãy núi xa xa, một chàng trai vươn vai phóng lao diệt trừ ác thú… Đó là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc trong văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Phú Yên, giáp ranh với các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, xuất xứ từ lễ bỏ mả (lễ chia của cho người đã qua đời). Đồng bào Ê Đê, Chăm H’roi, Ba Na… quan niệm rằng, người còn sống ở về ban ngày, còn người chết ở về ban đêm, nên phải chia tài sản để họ có mà làm ăn sinh tồn.

 

Già làng Oi Nhít ở buôn Lé B, xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) cho biết về ý nghĩa của tượng nhà mồ: “Tượng người phụ nữ thể hiện chế độ mẫu hệ, tượng người thanh niên vai trần khỏe khoắn là để ca ngợi sức mạnh, lòng dũng cảm bảo vệ buôn làng, tượng người già thể hiện sự uy tín, mẫu mực, còn tượng con hươu, con nai, con chim là để cho người chết vui”. Chỉ có cái rìu, cái rựa, lưỡi dao ba, dao bảy, những nghệ nhân làm tượng nhà mồ đã tạo nên những hình tượng phong phú, thổi hồn vào từng khúc gỗ vô tri vô giác. Ở buôn Lé B, xã Krông Pa có Ma Thoan, Nay Y Thanh, Y Sơn, Y Ple; còn ở xã Cà Lúi có Ma Mến, Ma Kít, A Ma Liên là những nghệ nhân có bàn tay khéo léo, có trí tưởng tượng phong phú về óc thẩm mỹ đã tạo ra nhiều tượng nhà mồ vô cùng sinh động. Tượng người đàn ông bắn nỏ, người thiếu nữ với đôi chân trần, bà mẹ đang mang gùi, tượng con khỉ, con nai… cho ta thấy sự sáng tạo và trí tưởng tượng độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tượng nhà mồ mang yếu tố tín ngưỡng, mỗi tượng mang hình ảnh người sống và người đã qua bên kia thế giới. Họ quan niệm rằng người chết sẽ không thể vui ở nơi chín suối, nếu thiếu đi lễ bỏ mả với tượng nhà mồ. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tín ngưỡng, tượng nhà mồ còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Tục làm nhà mồ và lễ bỏ mả là đặc trưng cho văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh Phú Yên.

Nguồn: website báo Phú Yên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT