Hành trang lữ khách

Khám phá Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Thị trấn trong mây

Cập nhật: 11/06/2009 14:41:16
Số lần đọc: 3644
Từ Hà Nội bạn chỉ mất hai giờ đi xe ô tô để đặt chân tới thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Đường lên Tam Đảo ngoằn ngoèo đèo dốc, bạn sẽ có cảm giác ngạc nhiên trước vẻ đẹp nguyên sơ của rừng núi nơi này.

Càng lên cao, nhiệt độ càng hạ, gió và cảnh đẹp sẽ cuốn tất cả sự phiền muộn của bạn. Xa xa những ngôi biệt thự xinh xắn nằm rải rác khắp một vùng hiện dần trong lớp sương mờ mờ ảo ảo.

Núi Tam Đảo có 3 đỉnh nổi lên như 3 hòn đảo: đỉnh giữa có tên Bàn Thạch cao 1.388m; bên trái là đỉnh Thiên Nhị (chợ trời) cao 1.375m, trên có tháp truyền hình cao 93m, bên phải là đỉnh Phù Nghĩa cao 1.400m. Khí hậu ở đây rất độc đáo, bốn mùa trong một ngày. Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nóng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá của đông. Thị trấn bé xíu, xinh xắn với những con đường lên xuống ngoằn ngoèo, quanh co nho nhỏ, một dòng suối như vệt nước cắt ngang chảy suốt bốn mùa. Nhiều người đã từng nói Tam Đảo như một Đà Lạt thứ hai của Việt Nam.

Ẩn mình sau lớp mây ngàn trên đỉnh núi, những ngôi biệt thự đã có gần 100 năm tuổi tuyệt đẹp, sang trọng. Mỗi biệt thự là một tác phẩm kiến trúc hài hòa nằm rải rác trên những sườn núi hình cánh cung nhìn ra ba bề rừng già trùng điệp và các thung lũng sâu thẳm bên dưới. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã lên Tam Ðảo, xây dựng nơi đây thành khu nghỉ mát với 200 biệt thự, khách sạn, sân chơi thể thao, bể bơi, sàn nhảy.

Trong những năm chiến tranh, rất nhiều ngôi nhà đã bị phá huỷ. Nhưng gần đây, hàng trăm ngôi biệt thự, khách sạn đã mọc lên từ những nền nhà cổ khi xưa, hệt như một nàng tiên ngủ trong rừng đang vươn mình thức dậy.

Đến nay, “thị trấn trong mây” này đã có gần 60 khách sạn, nhà nghỉ lớn, nhỏ nhưng vẫn chỉ thuộc sở hữu của khoảng 17 hộ kinh doanh. Hầu hết đời sống của hơn 200 hộ dân còn lại vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp mà cây su su (khai thác rau cắt ngọn) được xem là nguồn thu nhập chính.

Từ năm 2000 trở lại đây khi ngành du lịch Tam Đảo phát triển mạnh thì su su được trồng làm một loại rau đặc sản làm nên thương hiệu riêng cho rau Tam Đảo. Su su được trồng khắp mọi nơi, từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác. Nếu bạn ngắm nhìn thị trấn ở tầng cao của ngôi biệt thự hay trên đỉnh một ngọn núi sẽ thấy thị trấn được phủ một mầu xanh mướt bởi lá và ngọn su su.

Cách đây vài chục năm, su su đối với người dân Tam Đảo cũng bình thường như các loài rau khác. Bà con trồng mỗi nhà một giàn để lấy quả ăn hàng ngày và bán quả giống cho vùng xuôi. Du khách lên nghỉ mát ở Tam Đảo mỗi ngày mỗi đông; lượng quả tiêu thụ tăng mạnh. Khi dân Tam Đảo "sáng tạo" ra món "đặc sản ngọn su su" mê hồn thực khách sành điệu, thì cây su su cao giá hẳn lên.

Người dân Tam Đảo cũng sáng tạo ra một kiểu trồng su su mới. Ai nhiều đất thì trồng hai loại giàn; một loại vừa lấy quả vừa lấy ngọn, một loại chuyên lấy ngọn. Ai ít đất cũng tranh thủ các miếng đất đầu thừa đuôi thẹo gần nhà trồng lấy ngọn. Giàn để lấy cả quả lẫn ngọn có thể rộng trăm mét vuông và cao hơn đầu người chui dưới gầm hái quả. Giàn lấy ngọn bề ngang dưới 2 m, thấp độ 1 m, chạy dài theo thế đất. Người thu hoạch đi vòng quanh giàn, đứng hai bên với vào giữa, cắt vừa tiện vừa không bị dập ngọn. Loại giàn rộng có xu hướng giảm dần, nhường diện tích đất phát triển loại giàn hẹp để tăng nhanh sản lượng ngọn su su, thỏa mãn kịp thời nhu cầu thị trường "rau sạch" các nơi. Ngồi vào bàn tiệc nơi này, không thể thiếu các món từ cây su su. Nào là ngọn và quả su su luộc, xào, đặc biệt hơn cả vẫn là ngọn su su xào với tỏi.

Ngoài ra nơi này còn ấn tượng với bạn bởi chuối rừng, vừa thơm ngon lại rẻ nữa. Chỉ cần 20.000 đồng bạn đã có hẳn một buồng chuối rừng thưởng thức ngay hoặc mang về làm quà.

Nguồn: website VOV

Cùng chuyên mục