Hoạt động của ngành

Cần gìn giữ văn hoá kiến trúc nhà trình tường bằng đất của đồng bào các dân tộc vùng cao

Cập nhật: 02/07/2009 15:20:34
Số lần đọc: 3178
Chúng ta rất tự hào về sự sáng tạo của nhân dân các dân tộc vùng biên giới đã xây nhà bằng trình tường đất. Tường bao quanh và ngăn cách các phòng bên trong đều bằng đất đỏ pha đất sét được đổ nước cho vừa và dùng sức trâu kết hợp với sức người nhào nặn thật nhuyễn, sau đó đổ vào khuôn bề rộng 40 đến 80 phân, dùng chầy gỗ nện chặt, cứ làm như vậy kéo theo chiều dài và nâng theo chiều cao đã định.

Tuỳ thời tiết và độ bền của đất từng nơi mà quyết định tiến hành làm các vì kéo và mái, đồng thời lợp ngói ta, (ngói âm dương); ngói đáp cầu (ngói máy); lợp rơm rạ hay cỏ tranh. Bây giờ nhân dân có thể lợp bằng tấm prô xi măng, tôn hoặc ngói máy thay rơm rạ, cỏ tranh để đảm bảo an toàn. Các khâu trát tường ngoài và trong nhà sẽ thực hiện cùng một lúc hoặc lợp xong mới làm.

  
Kiểu kiến trúc này thường được phổ biến ở vùng biên giới: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập… từ hàng trăm năm về trước, đã trở thành một vùng văn hoá kiến trúc độc đáo và tiện lợi. Nhân dân dùng trên 90% vật liệu tại chỗ như đất trình tường, cây cối làm vì kèo và làm mái, cánh cửa bằng gỗ xẻ của vườn nhà hoặc trên rừng. Nhà làm theo kiểu này bền vững, tiết kiệm, ngày xưa còn có tác dụng bảo vệ an toàn trách kẻ gian và chống giặc dã, thú rừng.

  
Chúng ta đã có dịp qua lại nhiều lần tại các làng, bản biên giới xa xôi thuộc các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, đã có từ mấy chục năm trước cũng như ngày nay vẫn còn nhiều ngôi nhà cũ và mới được xây dựng theo kiến trúc độc đáo này. Ở Lộc Bình có các làng bản như: Bản Rị, Khòn Thống, Bản Khiếng, Bản Khoai, Nà Tầu, Long Đầu, Cốc Nhãn và Cao Lộc có: Bản Ranh, Bản Lề, Bản Vàng, Thạch Khuyên, Hoà Cư, Hải Yến, Ba Sơn, Khuổi Tất, Pò Mã… Những làng bản quần tụ bên cánh rừng, dưới bóng tre làng ở nông thôn vùng biên giới xuất hiện kiến trúc cổ xưa mang tính truyền thống xen với những ngôi nhà hiện đại bây giờ là sự kết hợp hài hoà giữa nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

  
Với quan điểm giữ gìn và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, việc giữ gìn bản sắc văn hoá nói chung, trong đó văn hoá kiến trúc của nhân dân các dân tộc Xứ Lạng là vấn đề cần được quan tâm. Một trong đặc trưng nổi bật về kiến trúc nhà truyền thống ở Lạng Sơn là kiểu nhà sàn (phổ biến ở Bắc Sơn, Bình Gia) và nhà trình tường đất ở (phổ biến ở Cao Lộc, Lộc Bình). Trong điều kiện đời sống của nhân dân các dân tộc ở vùng nông thôn, biên giới tuy đã được cải thiện so với trước. Nhưng để đáp ứng cuộc sống ăn, ở, học hành của con cháu và thoả mãn cho trang trải việc làng, việc họ hàng… thì vẫn còn nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những ngôi nhà xây kiên cố theo kiểu hiện đại, cũng như nhà trình tường cổ xưa vẫn giữ được độ bền vững, đảm bảo phục vụ sinh hoạt gia đình, đủ tiện nghi thì vẫn còn nhiều nếp nhà trình tường cũ kỹ, lụp xụp, cải tạo hoặc trình tường mới. Để giúp cho nhân dân có kinh phí tu sửa, giữ nguyên hiện trạng bên ngoài, kể cả phần mái phủ kín rêu phong, dáng cổ kính, chỉ chỉnh sửa và đầu tư nội thất bê trong sao cho gọn gàng, sạch đẹp, trang trí nghiêm trang vẫn giữ được nét văn hoá truyền thống của dân tộc.

Chúng ta phản ánh những tâm huyết và nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đang sống ở những căn nhà trình tường mong sao tỉnh giao cho các ngành chức năng như Văn hoá, Thể thao, Du lịch; ngành Xây dựng và đặc biệt là cơ quan Bảo tàng tổng hợp tỉnh phối hợp lập dự án trình cấp trên để điều tra, nghiên cứu và hỗ trợ vốn đề giúp nhân dân tư sửa, gìn giữ những ngôi nhà trình tường đất luôn tồn tại mãi với thới gian, không gian và với cuộc sống của nhân dân; luôn trở thành dấu ấn lịch sử kiến trúc độc đáo của Xứ Lạng mang đậm nét đặc trưng là: Tại chỗ, tiết kiệm, tiện lợi cho đời sống và quốc phòng, an ninh – góp phần tô điểm bản sắc căn hoá tỉnh nhà thêm độc đáo, phong phú và giàu đẹp.

Nguồn: website báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục