Hoạt động của ngành

Hà Tây: Khởi sắc du lịch văn hóa tâm linh

Cập nhật: 23/04/2008 08:04:07
Số lần đọc: 3697
Trong quý I ngành Du lịch tập trung khai thác lợi thế về loại hình du lịch văn hóa tâm linh để thu hút khách vào địa bàn. Sự chuẩn bị tốt về công tác tổ chức cùng với những đầu tư, nâng cấp ngày càng đồng bộ nên tại hầu hết các điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn, lượng khách du lịch đều có sự tăng đột biến, góp phần vào việc thúc đẩy giá trị du lịch trên địa bàn tăng cao.

Hà Tây có một kho tàng di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ, lâu đời, với gần 2.400 di tích. Trong đó có 12 di tích nổi tiếng được Nhà nước xếp vào loại quan trọng như: Chùa Thầy gắn với tên tuổi thiền sư Từ Đạo Hạnh, chùa Bối Khê, chùa Trăm Gian gắn với tên tuổi đức thánh Nguyễn Bình An, chùa Tây Phương tinh hoa văn hóa thời Tây Sơn, chùa Đậu, chùa Mía và nhiều ngôi đình cổ như: Tây Đằng, Chu Quyến, Mông Phụ, Hoàng Xá... Với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử cùng một hệ thống di tích, đa dạng và đặc sắc, những năm gần đây, mỗi mùa xuân về, Hà Tây đã  trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.

 

Để khai thác tiềm năng, thời gian qua, ngành Du lịch đã đấu nối nhiều tuyến du lịch như: Đền Phùng Hưng - lăng Ngô Quyền - chùa Mía- đền Và - Thành cổ Sơn Tây; tuyến Hoà Xá - Quan Sơn - Hương Sơn - Khu Cháy - Vạn Phúc; tuyến di tích đền thờ Nguyễn Trãi - chùa Đậu - lăng đá Quận Vân - bãi Tự Nhiên và gần đây là tuyến du lịch cụm di tích đền thờ Đức Thánh Tản - đền thờ Bác Hồ và khu di tích K9. Cùng với việc xây dựng các tuyến du lịch, Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về các di tích lịch sử như: Lễ hội chùa Hương, đền Và, chùa Thầy, chùa Tây Phương... Bên cạnh đó, nhằm nâng cao kiến thức văn hóa du lịch cho cán bộ và nhân dân, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho hàng nghìn người tại các xã trọng điểm phát triển du lịch như: Nhị Khê, Nguyễn Trãi (Thường Tín), Hồng Quang (Ứng Hòa); Sài Sơn (Quốc Oai), Hương Sơn (Mỹ Đức)...

 

Do được quan tâm đầu tư nên những năm gần đây, du khách đến với loại hình du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn liên tục tăng. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2008, lượng khách đến du xuân, trẩy hội đã tăng lên rất mạnh. Một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách nhất phải kể đến  là chùa Hương. Để phục vụ khách tham quan tốt nhất, công tác chỉ đạo phục vụ lễ hội của huyện Mỹ Đức đã được tổ chức khá chu đáo, với việc huy động 3.600 xuồng, đò tham gia vận chuyển du khách an toàn, các lực lượng tham gia phục vụ lễ hội nhiệt tình hướng dẫn du khách đi trẩy hội, về cơ bản không có tình trạng  chủ đò chèo kéo, ép giá du khách. Năm nay, là năm đầu tiên chùa Hương đón trên 1 triệu lượt khách và dự kiến, xuân hội năm nay, số lượng du khách đến chùa Hương có thể đạt tới 1,4 - 1,5 triệu lượt người, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với lượng khách đến chùa Hương tăng mạnh, tại chùa Tây Phương (Thạch Thất) điểm du lịch tham quan, nghiên cứu lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và lễ hội truyền thống năm nay, lượng khách đến cũng tăng cao so với cùng kỳ.

 

Tính đến hết quý I, chùa Tây Phương đã đón 5,5 vạn lượt khách, mang lại doanh thu từ vé thắng cảnh đạt 200 triệu đồng. Để phục vụ tốt nhu cầu của du khách, Ban Quản lý di tích chùa Tây Phương đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức triển khai ký cam kết đến các hộ dân kinh doanh trong khu vực chùa không căng lều bạt, bán hàng lộn xộn, không chèo kéo khách, đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng của huyện Thạch Thất tiến hành kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn hóa phẩm đảm bảo trật tự, an toàn, văn minh. Tại khu di tích thắng cảnh chùa Thầy, ước tính từ đầu năm đến nay, chùa Thầy đã đón 4 vạn lượt khách đến tham quan, trong đó, riêng những ngày lễ hội, chùa Thầy đã đón khoảng 1 vạn lượt khách. Ngoài ra, tại một số khu di tích khác trên địa bàn tỉnh lượng khách du lịch đều tăng. Điển hình như huyện Chương Mỹ, các di tích lịch sử văn hóa như chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Hỏa Tinh... cũng đã đón trên 4 vạn lượt khách, thành phố Sơn Tây cũng đã đón hàng trăm đoàn khách du lịch, trong đó có nhiều khách nước ngoài tham quan đền Và, làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây...

 

Những giá trị to lớn của hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, tâm linh trên địa bàn đã trở thành lợi thế lớn để Hà Tây khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh. Chính vì vậy, mỗi khi mùa xuân về, hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước lại nô nức về tham quan, trẩy hội góp phần thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh ngày một phát triển. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2008, toàn tỉnh đón gần 1,3 triệu lượt khách, tăng 21% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là hơn 56 nghìn lượt khách, tăng 13%; khách nội địa hơn 1, 2 triệu lượt khách, tăng 22%. Số lượng khách tăng đã nâng tổng doanh thu của toàn ngành đạt 211 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2007, nộp ngân sách 13.838 triệu đồng. Du lịch văn hóa tâm linh ngày một khởi sắc.

Nguồn: Báo Hà Tây

Cùng chuyên mục