Hoạt động của ngành

Ninh Thuận: phối hợp giữa văn hoá với du lịch sẽ là tiền đề cho sự phát triển

Cập nhật: 25/04/2008 10:04:25
Số lần đọc: 3499
Trong những năm qua, du lịch Ninh Thuận đã từng bước khởi sắc. Hệ thống hạ tầng ngày càng phát triển, đã xuất hiện nhiều khách sạn, resort, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, trong đó có khách sạn Sài Gòn – Ninh Chữ 4 sao, nhiều công ty lữ hành đã tìm đến Ninh Thuận và liên kết các tua du lịch.

Từ nhiều năm nay, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, tiến hành xây dựng các quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, chương trình hành động phát triển du lịch, liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài nước. Nhiều dự án phát triển du lịch đã được phê duyệt. Festival Ninh Thuận 2007 “Tiềm ẩn những sắc màu” là một thành công trong quảng bá du lịch.

 

Tuy nhiên cho đến nay, Ninh Thuận vẫn là tỉnh chậm phát triển du lịch nhất trong khu vực. Những lợi thế ở Ninh Thuận vẫn nằm ở dạng “tiềm năng”, “tiềm ẩn”. Nhìn xung quanh, các địa phương tiếp giáp với Ninh Thuận đã có những bước phát triển du lịch mạnh mẽ như Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận).

 

Nhìn từ góc độ “địa văn hoá”, “địa du lịch”, Ninh Thuận thật sự là một vùng đất có tiềm năng. Nằm lọt giữa ba trung tâm du lịch lớn đang phát triển là Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết. Bờ biển dài 105 km với những dãy núi ngang ăn sát tận biển tạo nên những vũng, vịnh rất đẹp, nắng quanh năm, những bờ bãi cát trắng tinh và nước biển luôn trong xanh.

 

Bờ biển Ninh Thuận là sự nối dài của vũng, vịnh của bờ biển cực Nam Trung Bộ từ vịnh Nha Trang, Cam Ranh đến nam Bình Thuận. Bình Tiên, Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Phú Thọ, Cà Ná, đồi cát Nam Cương là những vũng, vịnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho Ninh Thuận nhưng cho đến nay còn rất ít người biết đến.

 

Ninh Thuận còn có lợi thế về du lịch văn hoá Chăm với những khu đền tháp Chăm “còn sống” với lễ hội của vùng người Chăm cư trú đông nhất nước, du lịch núi vùng đồng bào Raglai và đặc biệt là có khu bảo tồn quốc gia Núi Chúa với hàng nghìn loài sinh, thực vật quý hiếm. Với chính sách “trải thảm đỏ” kêu gọi, nhiều nhà đầu tư đã đến Ninh Thuận xây dựng các dự án khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí, khu du lịch ven biển nhưng vì thiếu quy hoạch khoa học ngay từ đầu nên những dự án này vừa dàn trải, vừa manh mún. Nhiều dự án chiếm dụng đất, mua đi bán lại nhiều lần gây lãng phí.

 

Trong khi các địa phương khác tận dụng bờ biển đẹp để xây dựng con đường ven biển thì ở Ninh Thuận lại có một cách làm “không giống ai”. Con đường đôi Yên Ninh to đẹp không làm ven biển, mà làm xa bờ biển, “nhường” bờ biển cho hệ thống các nhà hàng, khách sạn, resort với những hàng rào và đội ngũ bảo vệ.

 

Vì vậy, khi đi trên đường, du khách cũng như người dân không nhìn thấy biển. Các nhà hàng, khách sạn, resort đã chiếm hết dải bãi bờ đẹp nhất và che hết tầm nhìn, không còn chỗ cho người dân và khách thập phương đi dạo để ngắm vịnh Ninh Chữ. Thanh, thiếu niên và các nhóm picnic không còn bờ biển để tổ chức vui chơi, cắm trại, phạm vi bãi tắm biển của người dân bị thu hẹp lại v.v... và khi đêm về không còn được nhìn những dãy đèn thuyền câu mực lấp lánh xa xa của một thành phố sao đèn trên biển.

 

Một thực trạng nữa ảnh hưởng đến phát triển là nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu. Hầu hết các nhân viên phục vụ trong hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu du lịch đều chưa qua đào tạo cơ bản. Bên cạnh đó, các nhà quản lý du lịch chưa tạo được mối quan hệ liên kết, gắn bó giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau, với các nhà quản lý địa phương và các ngành liên quan, trong đó có ngành văn hoá và các lợi thế về văn hoá trong du lịch.

 

Mới đây, thực hiện Nghị định 13/2008/NĐ – CP, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành hợp nhất ngành Du lịch với ngành Văn hoá. Hy vọng rằng, sự phối hợp giữa văn hoá với du lịch sẽ là tiền đề cho sự phát triển du lịch ở Ninh Thuận. Và, để đánh thức tiềm năng du lịch ở Ninh Thuận, cần thẳng thắn nhìn vào thực trạng và nguyên nhân đã, đang cản trở sự phát triển của nó. Những đồ án quy hoạch cần phải bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với thế mạnh của du lịch biển và du lịch văn hoá.

 

Những dự án mặc dù đã được xây dựng trước kia, nếu thấy đã lạc hậu, không có lợi cho chiến lược phát triển du lịch về lâu dài thì cũng mạnh dạn đập bỏ. Có như vậy, du lịch Ninh Thuận mới có thể “tăng tốc, cất cánh”, mới đánh thức được tiềm năng của một vùng đất “tiềm ẩn những sắc màu”.

Nguồn: Website Cinet

Cùng chuyên mục