Chương Mỹ (Hà Tây): Phát triển ba loại hình du lịch
Chương Mỹ có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch, với lợi thế nằm gần trung tâm tỉnh, cách Thủ đô Hà Nội chưa đầy 20km và nằm trên các tuyến đường giao thông quan trọng, dọc trên quốc lộ 6A, tỉnh lộ 419 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Chương Mỹ nằm trong quy hoạch chuỗi đô thị gồm Miếu Môn - thị trấn Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây, nằm trong quy hoạch trục phát triển kinh tế Bắc - Nam. Trên cơ sở phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương và nằm trong vùng bán sơn địa nên rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Huyện có tiềm năng phát triển cả 3 loại hình: Du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch làng nghề. Xác định được hướng đi đúng đắn với điều kiện thực tế của địa phương, Chương Mỹ đã xây dựng chương trình phát triển kinh tế du lịch - thương mại đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Cùng với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường, thì nhu cầu vui chơi giải trí của người dân cũng ngày một tăng cao, do đó lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng các trung tâm du lịch lớn như: Thị trấn Xuân Mai, thị trấn Chúc Sơn, trung tâm Hồ Văn Sơn... mở rộng nhiều ngành nghề, tập trung vào làm hàng hóa có tính kỹ, mỹ thuật cao. Đối với các điểm du lịch văn hóa lịch sử, huyện đã quy hoạch tổng thể khu du lịch chùa Trầm với diện tích 50ha ở xã Phụng Châu để xây dựng mô hình du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái, đồng thời chú trọng tới việc tu bổ nâng cấp chùa Trầm và chùa Trăm Gian để thu hút khách thập phương.
Đối với du lịch sinh thái, Chương Mỹ có rất nhiều hồ như: Hồ Đồng Sương, hiện nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang lập quy hoạch tổng thể khu du lịch với quy mô 400ha, vốn đầu tư 36 triệu USD, dự án Hồ Văn Sơn, được Công ty TNHH EK DNC (Hàn Quốc) đang tiến hành triển khai xây dựng với quy mô 190ha, xây dựng sân gofl 36 lỗ và du lịch sinh thái quanh hồ, vốn đầu tư 22 triệu USD; xunh quanh Hồ Miễu có rất nhiều nhà hàng và nhà nghỉ tư nhân đang hoạt động để phục vụ du khách. Ngoài ra, Chương Mỹ là cái nôi của làng nghề mây, tre, giang đan nên có rất nhiều sản phẩm hàng hóa độc đáo, đặc trưng có sức lôi cuốn khách du lịch đến tham quan làng nghề như làng nghề Phú Nghĩa. Đây là một trong 3 điểm du lịch làng nghề được UBND tỉnh kết hợp với du lịch thực hiện dự án. Những năm gần đây, nhằm phát triển làng nghề theo hướng bền vững và lâu dài, các cấp, các ngành đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho làng nghề như: Năm 2007, đã hoàn thành con đường đổ bê tông vào làng, dài khoảng 3km, kinh phí 4,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, được sự giúp đỡ của Tổ chức Du lịch Thế giới và Sở Du lịch Hà Tây, các chuyên gia tư vấn đã tiến hành khảo sát các hạng mục công trình nằm trong dự án, tổ chức 16 lớp về tập huấn kiến thức văn hóa du lịch cho cán bộ và nhân dân xã Phú Nghĩa; tiến hành một loạt các hoạt động xúc tiến về du lịch làng nghề; hỗ trợ các DN vừa và nhỏ để các DN phát triển mẫu mã sản phẩm, đào tạo công nhân có trình độ tay nghề cao. Tuy nhiên, khách đến tham quan làng nghề chỉ mang tính tự phát, chưa có sự kết hợp giữa các công ty lữ hành và các DN, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Do đó, cần có chiến lược quảng bá sản phẩm, phát triển các tour du lịch theo tuyến. Vì vậy, việc quy hoạch và khai thác nguồn đầu tư xây dựng làng nghề kết hợp với du lịch cần được quan tâm hơn nữa nhất là các công trình như: Nhà trưng bày sản phẩm, bãi đỗ xe, công trình vệ sinh công cộng, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch... Hơn nữa, cái khó khăn lớn nhất đối với Chương Mỹ là hoạt động du lịch mới chỉ dừng lại ở mức khai thác các thế mạnh mà chưa trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch.
Xác định được những lợi thế và khó khăn, huyện Chương Mỹ đã đưa ra những giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay, giải pháp quan trọng để đưa du lịch Chương Mỹ phát triển tương xứng với tiềm năng không chỉ là sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng ở các điểm du lịch mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN kinh doanh du lịch vào thuê đất, thu hút nguồn vốn đầu tư của các DN trong và ngoài nước. Đồng thời, cần phải tuyên truyền vận động người dân hiểu được lợi ích từ việc phát triển du lịch, qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm và có biện pháp bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của địa phương... Có như vậy, Chương Mỹ mới trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.