Hoạt động của ngành

Bình Thuận: Phát triển du lịch gắn với lễ hội, làng nghề truyền thống văn hoá dân tộc Chăm

Cập nhật: 29/04/2008 17:04:54
Số lần đọc: 3529
Người Chăm ở Huyện Bắc Bình (Bình Thuận) có hơn 3.280 hộ/ 23.400 người, tuy chỉ chiếm 20% dân số toàn huyện, nhưng cộng đồng dân tộc Chăm ở đây có những thế mạnh về phát triển du lịch với những lễ hội văn hóa mang nét đặc thù riêng.

Đồng bào dân tộc Chăm ở huyện Bắc Bình theo 2 tôn giáo chính là Bà La Môn và Hồi giáo (Bà Ni) với các lễ hội dân gian đặc sắc. Lễ hội chung của 2 đạo là lễ hội Ricanưgar được tổ chức vào dịp đầu năm. Lễ hội này nói lên sự chuyển mùa canh tác nông nghiệp. Nội dung lễ hội được thể hiện qua các điệu múa như: múa chèo đò, múa đạp lửa, múa dâng hoa.... Đạo Chăm Bà Ni có lễ Tết Ramưwan tổ chức vào trung tuần tháng 11 âm lịch. Nội dung lễ hội có những lễ cúng riêng và những buổi giao lưu văn nghệ với những điệu múa đội nước, múa quạt.... Đạo Chăm Bà La Môn tổ chức lễ hội Katê vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm. Cả hai tôn giáo này hoạt động vừa mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống.

 

Ngoài các lễ hội văn hóa, người Chăm ở Bắc Bình còn có nhiều làng nghề truyền thống còn lưu truyền đến hôm nay như nghề dệt thổ cẩm, nghề làm đồ gốm. Một đặc thù văn hóa riêng của Huyện Bắc Bình so với cả tỉnh Bình Thuận là có một đội văn nghệ lưu động không chuyên của người Chăm. Đội văn nghệ này tập hợp những chàng trai, cô gái yêu văn nghệ và thích múa những điệu múa Chăm truyền thống. Họ là những thanh niên nam, nữ đang lao động nông nghiệp, trong làng nghề và những giáo viên hoặc viên chức Nhà nước... Những lễ hội Chăm, không bao giờ vắng bóng những lời ca, tiếng hát và những điệu múa của đội văn nghệ không chuyên này.

 

Nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, Bắc Bình đã tiến hành xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm tại xã Phan Thanh. Trung tâm này bao gồm nhà trưng bày các di sản văn hóa Chăm rộng 768m2, nhà thao diễn nghề dệt, nghề gốm truyền thống, khu bán hàng lưu niệm và trùng tu các hiện vật văn hóa Chăm với tổng vốn xây dựng trên 14 tỷ đồng. Công trình sẽ được hoàn thành trong năm 2008, nhằm giữ gìn phát huy di sản văn hóa dân tộc Chăm, phục vụ du khách tham quan và các nhà nghiên cứu lịch sử.

Nguồn: Website Đảng CSVN

Cùng chuyên mục