Tin tức - Sự kiện

Các giá trị văn hóa Việt cổ: Tiềm năng du lịch lớn

Cập nhật: 23/04/2008 09:04:48
Số lần đọc: 1817
Việt Nam có một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và có truyền thống lâu đời, thể hiện ở những giá trị văn hóa Việt cổ, rõ nhất là các làng cổ Việt Nam. Đây chính là một thế mạnh mà ngành du lịch nước ta chưa khai thác đầy đủ.

Lợi thế sẵn có

Định nghĩa về giá trị văn hóa của làng Việt cổ, PGS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết: Bản thân các làng cổ gồm hai phần chính: khu vực canh tác và khu vực cư trú. Khu vực canh tác gồm các công trình như: đồng ruộng, hệ thống tưới tiêu, mồ mả và các miếu. Thứ hai là khu vực cư trú gồm nhiều thiết chế: về hành chính như đình làng là nơi họp hành, về văn hóa là các lễ hội, về tôn giáo là việc thờ cúng thành hoàng.

Địa vực của các làng cổ chia làm nhiều ngõ xóm, mỗi xóm đều có các vị thần của mình. Các quan hệ dòng họ thì thể hiện bằng các nhà thờ họ. Về nghề nghiệp lại có các nhà thờ Tổ nghề. Rồi về học vấn và các lĩnh vực khác cũng vậy, đều là những biểu hiện giá trị văn hóa có thể khai thác trong hoạt động du lịch. Đặc biệt, ngay từ những con đường, những bờ ao, lũy tre, cổng làng cũng là những yếu tố, tạo không gian và bối cảnh du lịch hấp dẫn cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Nghệ thuật truyền thống Việt Nam hội tụ 3 loại hình lớn là: nghệ thuật ngôn từ - văn học dân gian; nghệ thuật biểu diễn - âm nhạc (dân ca, thính phòng, cung đình), múa và sân khấu (múa rối nước, chèo, tuồng) và nghệ thuật tạo hình. Trong đó, nghệ thuật biểu diễn có giá trị du lịch rất lớn bởi đó là loại tài nguyên du lịch rất động, du khách có thể tham gia trực tiếp ở bất kỳ vùng miền nào của Việt Nam. Du khách có thể thưởng thức điệu then khi đến miền Đông Bắc, làn điệu khắp của người Thái ở Mai Châu, Hòa Bình hay nghe làn điệu hát xoan, hát ghẹo khi về đất Tổ Vua Hùng hay làn điệu quan họ nổi tiếng của đồng bằng Bắc bộ. Ở các làng quê, du khách lại được thưởng thức những điệu ví, chèo, hát ru, hát cửa đình…

Ngoài ra, các giá trị kiến trúc làng cổ hay các làng nghề đều là những sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn. Ví dụ như làng cổ Đường Lâm – một sản phẩm du lịch mẫu trong khuôn khổ Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch có một lối kiến trúc không đâu có. Người dân ở đây đã tự hào nói rằng: nếu như Hội An là không gian phố cổ thì Đường Lâm là không gian nông thôn cổ của Văn hóa Việt. Đó là 200 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi, là những ngôi nhà gỗ giữ gìn nguyên vẹn kiến trúc của hàng trăm năm trước: nhà 5 gian, có 5-7 hàng chân cột, có bức bàn cao, lợp ngói mũi âm dương và đặc biệt là đều được xây bằng tường đá ong.

Phát triển thành sản phẩm du lịch hoàn thiện

Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Chí Bền cho rằng: vấn đề đặt ra là chúng ta đã có những tiềm năng thì phải hiểu và biết ứng xử tốt với chúng, xây dựng chúng thành những sản phẩm du lịch chất lượng, hấp dẫn. Đơn giản là những sản phẩm nhỏ như: quyển sách, đĩa CD hoặc video giới thiệu về làng, về văn hóa làng phải được làm bài bản. Du khách khi ra về không thể chỉ đem những đồ lưu niệm, sản vật đặc trưng mà còn phải lưu giữ được những thông tin, giá trị của nơi đó.

Trình bày về việc xây dựng sản phẩm du lịch mẫu tại làng cổ Đường Lâm, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết rất nhiều công việc đã được triển khai từ đầu năm 2008 như: khảo sát, thiết kế lộ trình tour mẫu, chọn lọc xây dựng các sản phẩm tour, đào tạo nghiệp vụ thuyết minh cho thuyết minh viên của xã và các gia đình có nhà cổ để phục vụ sản phẩm tour mẫu, làm công tác quảng bá cho điểm đến Đường Lâm. Trong suốt quá trình thực hiện ông Thắng cho biết phải bảo đảm và đáp ứng các yêu cầu như: đầu tư không dàn trải, chỉ nhân rộng khi mô hình mẫu có sự ổn định và hiệu quả. Các sản phẩm tour phải mang tính chuẩn cơ bản để bảo đảm trong trường hợp thời gian tham quan rất ít thì du khách vẫn có được một bức tranh toàn cảnh về một làng cổ, làng quê Việt Nam. Vấn đề quan trọng là phải đảm đảm được tính bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa, đặc biệt là nếp sống, phong tục tập quán người dân bản địa, không sao chép hoặc du nhập những hoạt động văn hóa không phù hợp, tức là phát triển phải có chọn lọc.

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển du lịch sẽ thành công nếu biết tạo cơ hội cho người dân tại đó tham gia cung cấp các dịch vụ du lịch để có thể sử dụng tối đa nguồn nhân lực địa phương, song song với việc nâng cao nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng theo hình thức “homestay”. Ông Đỗ Đình Cương, Giám đốc Công ty Hỗ trợ du lịch nhận định, hiện nay Việt Nam cần đầu tư hơn nữa vào việc phát triển đội ngũ thuyết minh viên tại chỗ. Họ là những người dân bản địa, rất yêu mến và hiểu về quê hương. Tuy nhiên nền tảng và trình độ văn hóa của họ còn thấp, đa phần không được đào tạo thuyết minh bài bản, hầu hết lại không biết ngoại ngữ. Như vậy, cần phải biết phát huy thế mạnh của họ là sức truyền cảm, sự chân thực và lòng say mê công việc bên cạnh việc đào tạo kỹ năng. 

Nguồn: Báo BRVT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT