Du lịch cộng đồng - hướng phát triển mới của ngành du lịch Vĩnh Phúc
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt từ Hà Nội đi qua Vĩnh Phúc đến các tỉnh miền núi phía Bắc rất thuận lợi. Ngoài ra, sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) cũng nằm ngay sát tỉnh. Với những thế mạnh này, Vĩnh Phúc có nhiều cơ hội để phát triển du lịch, trong đó có loại hình du lịch cộng đồng với các hoạt động khám phá cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu phong tục tập quán các dân tộc bản địa, tìm hiểu các nghề thủ công truyền thống...
Trước thực trạng này, tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Đồng Thỏng (xã Đại Đình) và thôn Đạo Trù Thượng (xã Đạo Trù) ở huyện Tam Đảo. Đây là hai thôn có phong cảnh thiên nhiên hữu tình và vẫn còn lưu giữ bản sắc văn hóa phong phú của người dân tộc Sán Dìu. Đại Đình nằm ở phía Bắc của huyện Tam Đảo, có tổng diện tích tự nhiên là 3.452ha. Phía đông bắc Đại Đình là dãy núi Tam Đảo hùng vĩ nằm án ngữ đã tạo nên phong cảnh thiên nhiên thơ mộng với những bản làng của người Kinh, Sán Dìu, Thái, Mường, Dao nằm kề bên chân núi. Trải dài trên sườn núi Thạch Bàn thuộc dãy núi Tam Đảo, danh thắng Tây Thiên là một vùng đa dạng sinh học với hệ động, thực vật phong phú. Đây còn là địa điểm du lịch văn hóa tâm linh được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến với các điểm đến tiêu biểu như: đền, chùa Tây Thiên, đền Thỏng, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, đặc biệt là Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên - địa điểm chính diễn ra lễ hội Tây Thiên (từ ngày 14 - 16/2 âm lịch hàng năm nhằm tỏ lòng biết ơn Quốc Mẫu Tây Thiên đã có công giúp vua Hùng thứ 7 đánh thắng giặc phương Bắc). Với tổng diện tích tự nhiên là 7.450,84ha, xã Đạo Trù là nơi cư trú của dân tộc Kinh và Sán Dìu, trong đó dân tộc Sán Dìu chiếm 87,5%. Do có ranh giới giáp với Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên (xã Đại Đình) nên trong chặng đường phát triển kinh tế xã hội của huyện Tam Đảo, Đạo Trù đã được quy hoạch phát triển thành điểm đến quan trọng để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, tiêu biểu là dịch vụ du lịch cộng đồng tại thôn Đạo Trù Thượng. Việc xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại hai thôn Đồng Thỏng và Đạo Trù Thượng đã giúp người dân địa phương hiểu được ý nghĩa và những lợi ích của việc phát triển du lịch cộng đồng, từ đó giúp họ có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống và chủ động tham gia vào quá trình phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương như: cải tạo nhà ở; nâng cấp đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; xây dựng các công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn du lịch cộng đồng; mua sắm trang thiết bị phục vụ khách tham quan, lưu trú; khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống như: dệt, mây tre đan nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù; tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, phục vụ du khách, tổ chức các đội văn nghệ biểu diễn phục vụ khách… Đây cũng là bước đệm quan trọng có tính chất đòn bẩy cho các chương trình, dự án du lịch cộng đồng khác tại Vĩnh Phúc. Thanh Hải