Hoạt động của ngành

Vườn nhãn Bạc Liêu - diện mạo mới để phát triển du lịch

Cập nhật: 16/04/2014 12:56:34
Số lần đọc: 2988
Vườn nhãn hay Giồng nhãn Bạc Liêu là địa danh được hình thành cách đây trên 1 thế kỷ. Với địa hình thuận lợi, lưu dân các nơi dần dần tìm đến, hình thành các nghề đánh cá, làm rẫy, trồng nhãn chuyên canh rồi sinh cơ lập nghiệp, định cư lâu dài...Vườn nhãn Bạc Liêu mang nhiều giá trị đặc trưng về địa chất, địa mạo, môi trường sinh thái, văn hóa truyền thống, ẩm thực, là một trong những điểm sáng và là địa chỉ có nhiều tiềm năng du lịch của tỉnh.

Trước hết về giá trị địa chất, địa mạo; nhiều nhà khoa học đã nhận định Giồng nhãn Bạc Liêu có cấu tạo địa chất đặc biệt, trong sinh thái rừng ngặp mặn bãi bùn ven biển mà đã tạo nên những giồng cát pha đất sét màu vàng nhạt luôn cao từ 1,5 – 2,5 m so với mặt nước biển, dọc dài từ cửa biển Nhà Mát Bạc Liêu đến cửa sông Mỹ Thanh. Đặc điểm thổ nhưỡng này rất thích hợp cho việc trồng nhãn… Điều này đã chứng minh qua thực tế hơn 100 năm trên đất Giồng, cư dân Bạc Liêu đã trồng nhãn ngút ngàn hàng chục cây số từ bãi biển Bạc Liêu đến cửa sông Mỹ Thanh. Cây nhãn Bạc Liêu là cây ăn trái thuộc loại lâu năm. Việc bảo tồn cây nhãn Bạc Liêu không những góp phần giữ gìn địa chất, địa mạo, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn tham gia vào việc chống biến đổi khí hậu, che nắng, chắn gió cho cư dân sống trên tuyến biển.

Đặc biệt ở đây có sản phẩm đặc trưng. Nhiều nhà khoa học đã có nhận xét: Nhãn Bạc Liêu là loại trái cây có giá trị dinh dưỡng rất cao, hàm lượng đường chiếm từ 12,5 – 22,5 %, có các vitamin và khoáng chất rất cần cho nhu cầu dinh dưỡng của con người. Nhãn sấy khô, có thể làm thuốc bổ, điều trị suy nhược thần kinh, kém trí nhớ, mất ngủ, trái nhãn có thể ngâm thành 1 loại rượu uống rất ngon, có mùi thơm đặc trưng. Nhiều du khách trong nghề trồng nhãn đến Bạc Liêu cũng có nhận xét: nhãn Bạc Liêu là loại cây rất dễ trồng, có tán xòe rộng, tuổi thọ kéo dài, hơn nữa được trồng ở vùng thổ nhưỡng ven biển đặc biệt nên có nhiều cây cao, bóng mát, kết hợp bãi biển đầy gió tạo nên khung cảnh rất nên thơ, thuận lợi cho du khách đến du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng.

Với vị trí giao thông thuận lợi qua 2 mùa mưa nắng, tọa lạc dọc dài ven biển, Vườn nhãn Bạc Liêu còn cung cấp cho du khách nhiều món ăn đặc sản của xứ biển như: lẩu hải sản, nghêu hấp gừng, Ốc len hầm dừa, cua ran me, tôm hấp nước dừa…

Giồng nhãn Bạc Liêu còn là diện mạo của vùng đất Bạc Liêu xưa. Nơi đây đã hình thành nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có nhiều công trình văn hóa, kiến trúc nổi tiếng như chùa Xiêm Cán – một trong những ngôi chùa Khmer đặc sắc Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng trên 1 thế kỷ; có ngôi nhà cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ XX theo kiểu 3 gian tường hồi – kiểu nhà truyền thống của người Việt gốc Hoa thời khẩn hoang mở đất; có giai thoại về cây nhãn đầu tiên; có cây nhãn “đại thụ” với hình ảnh lý thú “Tề thiên đại thánh bị nhốt ở Ngũ hành sơn”; có truyền thuyết về Cọp 3 chân và mạch nước ngọt gắn với cây xoài 300 năm ...luôn tạo ấn tượng đẹp, khó quên, làm lưu luyến bước chân biết bao du khách.

Nhận thức được giá trị độc đáo của vườn nhãn Bạc Liêu từ địa chất, địa mao, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, văn hóa truyền thống, ẩm thực đặc trưng... ; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan thực hiện Đề án Bảo tồn nhãn cổ Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch. Nhiệm vụ của Đề án là Bảo tồn nhãn cổ Bạc Liêu (bảo tồn gốc, nguồn gen và hệ sinh thái) tiến tới công nhận vườn nhãn Bạc Liêu là danh lam thắng cảnh của tỉnh gắn với phát triển du lịch. UBND tỉnh đã có phương án hỗ trợ cho các hộ trồng nhãn tham gia vào hoạt động bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch; Ban Chỉ đạo Đề án đã phối hợp với Viện Cây Ăn Quả Miền Nam chuyển giao công nghệ cấy ghép, gầy tạo lại gien tốt, vừa tăng năng suất cây trồng, vừa giữ lại nét đặc trưng, kéo dài tuổi thọ, bảo tồn lâu dài cây nhãn cổ Bạc Liêu. Th.S Đào Thị Bé Bảy, chuyên gia của Viện Cây ăn Quả miền Nam cho biết: “Nhãn cổ Bạc Liêu có nhiều cây đầu giồng còn rất tốt, sau khi cấy ghép, chúng tôi có thể vừa kéo dài tuổi thọ vừa cải thiện được năng suất của cây ”; Trường Trung cấp nghề của tỉnh sẽ mở nhiều lớp đào tạo nghề thủ công truyền thống miễn phí cho các hộ dân để tạo ra các sản phẩm bán lẻ tại chỗ phục vụ khách du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Công ty cổ phần Du lịch Bạc Liêu củng cố các tuyến du lịch trong tỉnh, nối tuyến du lịch ngoài tỉnh đi qua khu bảo tồn nhãn cổ; UBND thành phố Bạc Liêu cùng với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, phối hợp với các hộ dân sắp xếp, tổ chức, củng cố lại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, sản xuất rượu nhãn, ăn uống, giải khát, cơ sở lưu trú, bán hàng lưu niệm, tổ chức các hoạt động ca nhạc, đờn ca tài tử, chụp ảnh, tham quan...phục vụ khách du lịch với phương châm “Nhà, nhà làm du lịch, người người làm du lịch”; UBND xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông vận động các hộ dân đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; chỉnh trang nhà cửa, đường phố, vườn tược xanh, sạch đẹp, an toàn để thu hút du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.

Tỉnh ta đang thực hiện Nghị quyết 02/TU của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phát triển du lịch. Do đó việc Bảo tồn nhãn cổ Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch là công việc hết sức quan trọng và cần thiết. Ngoài việc giữ lại các gốc nhãn cổ quý giá, không bị chính các chủ vườn phá bỏ vì hiệu quả kinh tế của nó, mà còn giúp chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn diện mạo của một địa danh có lịch sử hình thành, phát triển hơn thế kỷ qua,. Đồng thời qua đó thực hiện hiệu quả hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh của quê hương Bạc Liêu gắn với công tác xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Với mục tiêu tốt đẹp, ý nghĩa cao cả, có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu, sự góp sức của các ngành, các cấp, sự ủng hộ của các hộ trồng nhãn và khách du lịch gần xa, chúng tôi tin rằng Đề án Bảo tồn nhãn cổ Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch sẽ tạo cho vườn nhãn Bạc Liêu một diện mao mới để trở thành điểm sáng về hoạt động du lịch của tỉnh trong thời gian không xa./. 

Nguồn: baclieu.gov.vn

Cùng chuyên mục