Hoạt động của ngành

Mường Khương (Lào Cai) thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang

Cập nhật: 13/05/2008 15:05:12
Số lần đọc: 2683
Những năm trước đây, khi chưa có Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, trên địa bàn huyện Mường Khương còn tồn lại không ít hủ tục như tình trạng để người chết lâu ngày trong nhà, tình trạng thách cưới cao…
Thậm chí có những đám cưới còn thách bằng bạc trắng, bằng tiền Trung Quốc gây khó khăn cho các gia đình cô dâu, chú rể.
 
Tình trạng kết hôn chỉ dừng lại ở hai bên gia đình và bà con lối xóm đến chứng giám mà không đến UBND xã làm đăng ký, bên cạnh đó là hiện tượng tảo hôn vẫn còn phổ biến.
 
Mặc dù người dân đều biết đó là những hủ tục lạc hậu, rườm rà tốn kém, muốn thay đổi cải tạo nhưng không dám làm trước vì sợ có lỗi với làng xóm và ảnh hưởng đến đời sau. Ngay sau khi có Chỉ thị 27-CT/TW, huyện Mường Khương đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ chức triển khai nội dung Chỉ thị tới toàn thể nhân dân trong huyện; yêu cầu các đảng viên và gia đình phải là tấm gương trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền vận động các hội viên hiểu được mục đích và lợi ích của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Qua đó nhận thức của các cấp chính quyền đoàn thể và nhân dân trong huyện đã được nâng lên rõ rệt. Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã được người dân trong huyện hưởng ứng.
 
Bên cạnh đó, yêu cầu cấp uỷ đảng và chính quyền xã chỉ đạo, hướng dẫn các thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước trên cơ sở truyền thống văn hoá dân tộc; những quy định thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và tình làng nghĩa xóm được xây dựng ngày càng bền chặt; thông qua quy ước, hương ước làng, bản đã gìn giữ được các phong tục tập quán tốt đẹp.
 
Thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh trong việc cưới, việc tang đã đạt được những kết quả nhất định. Tình trạng tảo hôn, cưới không đến Ủy ban nhân dân xã đăng ký và thách cưới cao từng bước đã bị đẩy lùi.
 
Việc tổ chức lễ cưới cũng đã được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ hơn; không có tình trạng ăn uống linh đình kéo dài, nên việc cưới vợ cho con đã không trở thành gánh nặng cho gia đình và cho các vợ chồng trẻ. Cơ bản các cặp hôn nhân là tự nguyện, đủ tuổi theo quy định của pháp luật và được pháp luật công nhận bằng văn bản đăng ký kết hôn tại UBND xã. Việc cưới xin không còn mang tính buôn bán như trước kia cụ thể là không còn tình trạng ở rể để trả lễ, thách lấy bạc trắng, thách lấy trâu, ngựa. Trên địa bàn không còn tình trạng để người chết lâu ngày trong nhà gây mất vệ sinh môi trường cho làng bản, thôn xóm. Tình làng nghĩa xóm được phát huy. Khi trong làng có người chết, mỗi nhà tự nguyện góp một chút gạo, củi và cử một người đến giúp gia đình có tang để đào huyệt, nấu nướng dọn dẹp. Để làm tốt việc tang lễ, cấp uỷ chính quyền địa phương và trưởng thôn bản thành lập ban lễ tang. Các đội nhạc hiếu, theo quy định không cử trống, nhạc lễ quá 23 giờ và không trước 5 giờ để bảo đảm trật tự trong thôn xóm.
 
Để đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn, huyện Mường Khương đã đề ra một số biện pháp tập trung chỉ đạo đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể xã hội; quản lý và kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi truyền bá, phát tán tài liệu không được phép lưu hành; những cá nhân lợi dụng tâm linh, ngoại cảm để lừa bịp nhân dân. Tổ chức xây dựng quy hoạch nghĩa trang nhân dân theo quy mô thôn, bản tạo thành khu vực tôn nghiêm, hợp vệ sinh. Với những việc làm cụ thể đó sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng quê hương vùng cao Mường Khương ngày càng văn minh phát triển.
Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục