Quảng Nam: Giữ lấy bản sắc dân tộc
Đặc điểm này đã tạo cho Phước Sơn có những đặc điểm văn hóa không lẫn vào đâu được: phong phú, đa dạng. Và cũng đặt ra cho những người làm công tác văn hóa Phước Sơn nhiệm vụ: làm thế nào để nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nhưng vẫn bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc.
Những người làm công tác văn hóa nơi đây đã không phụ lòng trông đợi của mọi người. Tính đến nay, Phước Sơn đã bước đầu triển khai việc phân bổ kinh phí, hướng dẫn xây dựng 17 nhà làng truyền thống với tổng kinh phí 280 triệu đồng/13 nhà, nguồn hỗ trơ thuộc dự án Tầm nhìn thế giới gồm 75 triệu đồng/3 nhà. Việc phát động xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa… cũng “hoành tráng” không kém. Đã có 63/66 thôn, khối làm lễ đăng ký và ban hành quy ước xây dựng thôn văn hóa. Sau khi đi kiểm tra, phúc tra ở các cơ sở, làng có hơn 3.400 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa chiếm 71%, hơn 50% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Có thể so với các địa bàn khác trong tỉnh thì con số này là chưa nhiều, nhưng đó là sự nỗ lực vượt bậc của những người suốt ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ở Phước Sơn. Nhìn chung, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã được nâng lên một bước và ngày càng đi vào chiều sâu. Việc bình xét các danh hiệu ở các thôn trên tinh thần dân chủ, công khai và bám sát tiêu chí.
Hoạt động văn hóa có tác động và hiệu ứng mạnh phải kể đến việc tổ chức các chiến dịch chiếu bóng cho bà con dân tộc các xã vùng sâu, vùng xa như Phước Kim, Phước Thành, Phước Công, Phước Chánh… Thông qua các buổi chiếu bóng, bà con đã hiểu biết hơn về ý nghĩa của các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng, giới thiệu các gương làm ăn giỏi, xóa đói giảm nghèo, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bình quân mỗi xã phục vụ từ năm đến sáu điểm chiếu, mỗi điểm chiếu từ ba đến bốn đêm, thu hút gần 40.000 lượt bà con đến xem. Hầu hết các xã đã khôi phục lại hoặc thành lập mới đội thông tin lưu động. Hoạt động văn hóa truyền thống như dạy tiếng nói, nghiên cứu chữ viết dân tộc Bhnoong, dệt trang phục thổ cẩm, tổ chức lễ hội đâm trâu, múa cồng chiêng được khôi phục. Ngoài ra, công tác đầu tư mua sắm bổ sung tư liệu, sưu tầm hiện vật tranh ảnh… cũng được chú trọng hơn bao giờ hết. Một cán bộ văn hóa huyện Phước Sơn cho hay: “Văn hóa của đồng bào dân tộc Phước Sơn còn khá nhiều điều hấp dẫn cần phải bảo lưu. Do vậy chúng tôi thường xuyên tổ chức đi cơ sở sưu tầm các giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể. Hạn chế tối đa việc mai một bản sắc văn hóa dân tộc trước ảnh hưởng của cơ chế thị trường. Nhất là khi nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Phước Sơn làm ăn trong thời gian tới”.