Hưng Yên: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể
Đây là một vấn đề đặt ra đối với các cấp, ngành chức năng có cái nhìn đúng đắn về giá trị đặc sắc của nó để có phương án bảo tồn.
Nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ thuộc trấn Sơn Nam xưa, những lớp cắt văn hoá Hưng Yên có nhiều dấu tích từ thời văn hoá Đông Sơn. Trải dài suốt quá trình lịch sử, văn hoá Hưng Yên được bồi lắng, hội tụ nhiều yếu tố mang tính chất vùng miền và đặc trưng riêng của Hưng Yên. Trải đều ở mỗi làng quê là trên 2.000 di tích, trong đó có nhiều di tích được xây dựng từ thời Lý, Trần, nhiều di tích đến nay còn mang giá trị nguyên gốc độc đáo. Hàng năm, hơn 500 lễ hội ở các di tích trên địa bàn tỉnh được tổ chức là dịp tưởng nhớ những vị thiên thần, nhân thần hoặc anh hùng dân tộc, đồng thời là nét đẹp văn hoá cộng đồng, là nơi mỗi người được sống với thế giới tâm linh linh thiêng. Phần lớn các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, là thời gian nhân dân thảnh thơi, cầu cả năm tốt lành, đây cũng là lúc sắp bước vào vụ sản xuất mới nên cầu cho mưa thuận gió hoà. Lễ hội thường được tổ chức ở các di tích như đình, đền, miếu, song cũng có một số lễ hội diễn ra ở chùa, là nơi ngoài thờ Phật còn thờ thêm một nhân vật có thật trong lịch sử. Các lễ hội mang quy mô thôn, làng, một số ít mang tính chất liên làng. Các lễ hội lưu giữ được những nghi thức cơ bản như tế lễ, rước bài vị của thần. Lễ vật dâng lên thần, thánh là những sản vật nông nghiệp hay được chế biến từ sản vật nông nghiệp hoặc chăn nuôi.
Là vùng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, lại nằm trong vùng văn minh lúa nước, các nghề cổ truyền của người Hưng Yên cũng mang đậm tính đặc trưng của nó như: nghề nấu rượu, tráng bánh đa, nghề làm long nhãn, nghề làm đậu, nghề làm tương, nghề làm hương, nghề mộc... Song, nhiều nghề không còn được lưu truyền hoặc đang có nguy cơ mai một như nghề dệt tơ tằm ở các huyện Phù Cừ, Khoái Châu, nghề làm võng ở huyện Kim Động... Nghề thủ công cổ truyền là một trong những di sản văn hoá phi vật thể có giá trị, vốn tồn tại ở các làng xã từ nhiều thế kỷ và là một nghề mang lại thu nhập đáng kể, góp phần ổn định đời sống của cư dân nông nghiệp, nhất là trong lúc giáp hạt. Nghề thủ công truyền thống của mỗi làng, xã là sự đúc kết kinh nghiệm của nhiều thế hệ nên cũng là nguồn thông tin chính xác và có giá trị về các mặt như lịch sử, văn hoá, khoa học...
Song song với đời sống kinh tế là sự bảo lưu những giá trị nghệ thuật cổ truyền trong nhân dân. Trong lịch sử, tỉnh Hưng Yên từng có nhiều loại hình nghệ thuật vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt phải kể đến hát chèo gồm 375 làng, hát ca trù là 193 làng, hát giao duyên có 192 làng. Có lẽ phát triển ở thế kỷ 16-17, lại là nơi người Trung Hoa sinh sống nên ở Hưng Yên xuất hiện một số loại hình như múa lân, đánh trống và múa rồng. Ngoài ra hát đúm, hát trống quân là loại hình nghệ thuật không phổ biến cũng có mặt trong đời sống văn hoá của người dân Hưng Yên, hoặc loại hình rối cạn, rối nước trước đây tồn tại ở 8 làng nhưng hiện nay đã thất truyền.
Các phong tục tập quán như dựng nêu, hạ nêu, lễ xuống đồng, cơm mới,... được lưu truyền trong cư dân trước đây nhưng hiện nay chỉ một số ít phong tục được nhân dân duy trì như: thờ cúng gia tiên, cúng thổ địa, Tết Trung thu, cúng ông Công, ông Táo, xá tội vong nhân, Thanh minh, tảo mộ, cúng rằm tháng giêng, tục giết sâu bọ, Tết Hàn thực, lễ mừng thọ. Ngoài ra, với những sản vật vùng nông nghiệp, nhiều món ăn được chế biến và trở thành đặc sản của người dân Hưng Yên mang giá trị văn hoá: chè hạt sen long nhãn, chả gà Tiểu Quan, ếch om Phượng Tường, bún thang và nhiều món ăn khác nữa...
Thực tế hiện nay, các loại hình văn hoá phi vật thể này còn tồn tại không nhiều, đặc biệt là các trò diễn, các loại hình nghệ thuật cổ truyền, phong tục tập quán. Có lẽ tốc độ đô thị hoá nhanh, sự phát triển của tiến bộ khoa học, các phương tiện hiện đại cùng với nhịp sống, lối suy nghĩ và không có sự truyền dạy của thế hệ trước cho thế hệ sau là nguyên nhân dẫn đến sự mai một, thất truyền của một số loại hình văn hoá phi vật thể. Một thực tế là các di sản văn hoá này hầu hết tồn tại trong các làng xã người Việt, gắn liền và tồn tại song hành với đời sống của họ, bởi vậy vấn đề bảo tàng hoá di sản văn hoá làng hiện nay đang là một xu hướng tất yếu và cũng thực sự có hiệu quả khi chúng ta đặt vấn đề bảo vệ, khai thác giá trị của những di sản đó. Bảo tàng hoá di sản văn hoá làng là việc xây dựng các làng xã trở thành các bảo tàng sống. Đó là việc đưa các di sản văn hoá của làng cùng toàn bộ cảnh quan, môi trường ra đời và tồn tại của những di sản ấy trở thành những đối tượng trực tiếp của các hoạt động bảo tàng, bao gồm việc bảo vệ, nghiên cứu và giáo dục khoa học, cung cấp các dịch vụ văn hoá, nghỉ ngơi, giải trí một cách tích cực của công chúng. Mục đích của việc làm này là gìn giữ đầy đủ và nguyên vẹn các di sản văn hoá của làng xã, khai thác và phát huy có hiệu quả những giá trị, trở thành một trong những nhân tố chủ đạo trong việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái một cách bền vững; tiếp tục triển khai và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về các di sản văn hoá; tăng cường hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bảo vệ và khai thác giá trị của các di sản văn hoá; nâng cao trình độ cán bộ chuyên môn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong làng xã về việc bảo vệ di sản văn hoá; đa dạng hoá các hoạt động bảo tàng di sản văn hoá làng; đối với từng loại hình văn hoá phi vật thể có những phương án bảo tồn và phát huy phù hợp với các lĩnh vực chuyên môn.