Phát triển du lịch Điện Biên tương xứng tiềm năng
Với đề án trên, về lý thuyết, du lịch Ðiện Biên là điểm đến lý tưởng của nhiều loại hình du lịch, theo đó, các nguồn thu trong ngành "công nghiệp không khói" sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Nguồn tài nguyên du lịch phong phú
Ngoài những loại hình du lịch thông thường như hầu hết các tỉnh khu vực Tây Bắc, Ðiện Biên còn là "điểm đến" nổi tiếng bởi hệ thống tập trung các điểm di tích chiến dịch Ðiện Biên Phủ 1954. Song trước hết, vì là tỉnh miền núi, vì vậy nói đến du lịch Ðiện Biên, người ta nghĩ ngay đến các tài nguyên du lịch đặc trưng miền núi.
Ðó là các hang động thâm u và kỳ ảo như những mê cung: Pa Thơm, Mường Lói (huyện Ðiện Biên); Phì Nhừ, Mường Tỉnh (huyện Ðiện Biên Ðông); Thẳm Púa, Thẳm Khương (huyện Tuần Giáo)... Về du lịch sinh thái có các khu rừng đặc dụng nguyên sinh, như: Mường Phăng, Mường Nhé.
Khu bảo tồn lâm sinh quốc gia Mường Nhé có diện tích 31.216 ha, trên độ cao lý tưởng hơn 1.500 m so với mực nước biển, có thảm thực vật phong phú và hàng trăm giống chim, thú quý hiếm; trong đó, nhiều loài có tên trong "sách đỏ" thế giới cũng như Việt Nam. Với rừng Mường Phăng, trong lúc thực hiện tua du lịch sinh thái với bầu không khí tĩnh dưỡng trong trẻo và thuần khiết, du khách sẽ có dịp "gặp lại" dưới tán đại ngàn một Chỉ huy sở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Ðiều thú vị là tại lòng chảo Mường Thanh, đúng 200 năm trước cũng vào năm 54 (1754), dưới sự chỉ huy của người Anh hùng nông dân Hoàng Công Chất (1706 - 1768), nghĩa quân đã đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc bảo vệ vùng biên cương Tây Bắc của Tổ quốc.
Tròn hai thế kỷ sau (1954), có một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà như sắp đặt của lịch sử, Ðiện Biên được giải phóng với chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Ðền Hoàng Công Chất, di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh của du khách bốn phương.
Ngoài ra, trong các loại hình để góp phần làm nên diện mạo du lịch đa dạng Ðiện Biên, điều chúng ta không thể không nhắc đến đó là du lịch sông hồ, thác nước và tắm khoáng nóng.
Với loại hình này, đứng "đầu bảng" có lẽ là hồ Pá Khoang, tiếp đến là hồ Huổi Phạ, rồi hồ Pe Luông, hồ Hồng Khếnh, hồ U Va... Bên cạnh đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang đậm giá trị vật chất cũng như tinh thần, được làm nên bởi bàn tay, khối óc và tình đoàn kết các dân tộc của bà con tỉnh Ðiện Biên, cùng sáng tạo và cùng giữ gìn trong dòng chảy thời gian. Nguồn tài nguyên ấy bao gồm những di tích lịch sử - cách mạng; di tích lịch sử - văn hóa; các làng nghề thủ công truyền thống; các giá trị văn hóa vật thể (nhà cửa, trang phục, công cụ sản xuất, nhạc cụ dân tộc...); các giá trị văn hóa phi vật thể (lễ hội dân gian, các điệu dân vũ, bài hát, trò chơi...) thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng 21 dân tộc anh em.
Ðáng chú ý là quần thể di tích chiến dịch Ðiện Biên Phủ, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng ngày 28-4-1962. Tại đây, 54 năm trước, hệ thống phòng ngự được thực dân Pháp bố trí 49 cứ điểm theo phương thức phòng thủ tập đoàn mặt đất; ngoài ra, có hơn chục điểm di tích liên quan quân ta.
Tại các điểm di tích, lịch sử còn ghi lại những tên người, tên núi, tên sông, tên các trận đánh khốc liệt, những khoảnh khắc lóe sáng phẩm chất anh hùng, những chiến công đi vào sử sách, đi vào lòng người, đi vào thơ ca. Trong đó, nhiều điểm di tích không chỉ xếp vào hàng quý hiếm mà còn thuộc loại "độc nhất vô nhị", không chỉ so với trong tỉnh mà so với phạm vi toàn quốc.
Những nỗ lực đánh thức tiềm năng
Với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, tỉnh Ðiện Biên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác cao nhất tiềm năng du lịch địa phương. Gần đây nhất, ngày 31-1-2008, UBND tỉnh có Quyết định số 150/QÐ-UBND, phê duyệt Dự án Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020.
Mục tiêu dự án phấn đấu đến năm 2020 đón khoảng 650 nghìn lượt khách trong nước, 220 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt khoảng 915 tỷ đồng. Ðể tạo ra sức hút du khách, ngay từ bây giờ, Ðiện Biên phải có những ý tưởng sáng tạo, đổi mới trong đầu tư cho phù hợp "túi tiền", nhằm khai thác một cách bền vững cái mà lâu nay vẫn chỉ được coi là tiềm năng. Muốn vậy, cũng theo Quyết định số 150 nói trên, trong khoảng thời gian đến năm 2020, Ðiện Biên cần một khoản kinh phí lên tới 2.820 tỷ đồng, để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch.
Sau năm 2010, tiếp tục đầu tư chỉnh trang, nâng cấp các tuyến, điểm du lịch quốc gia và quốc tế, các khu du lịch có ý nghĩa vùng và địa phương; cả tỉnh sẽ có chừng 4.700 phòng khách sạn, trong đó ít nhất có 15% số buồng phòng đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao. Song, chừng nào mà ngành du lịch còn chưa đủ sức "đứng khỏe" trên đôi chân của mình, thì đó là nguồn vốn quá lớn, đặt Ðiện Biên vào cái thế "lực bất tòng tâm".
Về quần thể di tích Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, theo Báo cáo số 42/BCTÐ-BQL ngày 11-3-2008, của Ban quản lý Dự án di tích Ðiện Biên Phủ: Tới thời điểm này, chỉ có duy nhất một dự án (Bảo tồn, tôn tạo di tích Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ) là đã hoàn thành; trong khi hơn chục dự án khác chưa thể khởi công hoặc đang thi công nhưng cầm chừng.
Có rất nhiều lý do dẫn tới sự trì trệ, trong đó có nguyên nhân vốn đầu tư nhỏ giọt, giá vật liệu tăng cao... Nếu không kịp thời nhận được sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, nhiều công trình cần hoàn thành vào dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ (7-5-2009) sẽ khó hoàn thành.
Ðưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Do còn quá nhiều những khó khăn và bất cập cả về chủ quan lẫn khách quan, cả về lịch sử lẫn hiện tại, cho nên vào thời điểm này "không gian du lịch" Ðiện Biên mới tạm thời tập trung ở lòng chảo Mường Thanh và một vài điểm đơn lẻ khu vực phụ cận. Mà ở lòng chảo Mường Thanh, như mọi người đã biết, không gì khác ngoài quần thể di tích chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
Ðây là cụm điểm du lịch trọng tâm, xét trên cả hai yếu tố tiềm năng lẫn vị trí địa lý, nơi hội tụ các luồng khách đến từ nhiều thị trường du lịch khác nhau. Với cụm điểm du lịch này, sức hấp dẫn thể hiện ở chỗ tài nguyên du lịch đa dạng và độc đáo; gồm du lịch nhân văn, du lịch tự nhiên và nhất là du lịch lịch sử. Không chỉ đáp ứng những nhu cầu thưởng thức thông thường, mà còn làm thỏa mãn cả các nhà nghiên cứu về văn hóa, về lịch sử, về khoa học quân sự, về dân tộc học và nhân chủng học...
Từng có những chuyên gia đề xuất ý tưởng rất hay, về việc phát triển cụm điểm du lịch này thành cụm du lịch bao gồm nhiều tiểu loại hình: Du lịch tham quan, nghiên cứu; phong tục, lễ hội; dưỡng bệnh, nghỉ cuối tuần; vui chơi, leo núi, thể thao mạo hiểm; hội nghị, hội thảo, liên hoan...
Ðương nhiên để làm được như thế, tức là để du lịch Ðiện Biên thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vấn đề trước tiên là phải đẩy nhanh tiến độ trùng tu, tôn tạo quần thể di tích Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ðồng thời ưu tiên phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch, như: nâng cấp sân bay Ðiện Biên, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các tuyến quốc lộ từ Hà Nội tới Ðiện Biên; tiếp tục đầu tư nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, xây dựng thêm hai cửa khẩu quốc gia để mở rộng giao lưu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh Bắc Lào. Tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch văn hóa, sinh thái, mở rộng hình thức du lịch cộng đồng, du lịch danh thắng...
Cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư, trải thảm đỏ mời gọi đầu tư hạ tầng cơ sở cho một Ðiện Biên đẹp, hấp dẫn du khách; thiết nghĩ, nếu chỉ có hô hào không thôi thì chưa đủ mà quan trọng hơn là cần một tầm nhìn xa, những ý tưởng mới, hành động một cách quyết liệt để làm nên những "chiến thắng Ðiện Biên" trong công cuộc dựng xây hôm nay.