Hoạt động của ngành

Làng nghề Hà Tây gắn với du lịch

Cập nhật: 26/05/2008 07:05:43
Số lần đọc: 3398
Hà Tây đứng đầu cả nước với 409 làng nghề, chiếm một phần năm tổng số làng nghề của nước ta. Nhiều làng nghề có tuổi đời vài ba thế kỷ. Một số nghệ nhân đưa cả gia đình vào phương nam lập nghiệp, truyền nghề gây dựng làng nghề trên miền quê mới.

Xã La Phù, huyện Hoài Ðức nổi tiếng với hai nghề truyền thống là dệt kim và chế biến thực phẩm; tăng trưởng kinh tế 15,7%/năm; một nửa số gia đình thu nhập bình quân 11.500.000 đồng/người/năm; số có nhà nhiều tầng không đếm xuể. La Phù có 60 công ty TNHH, công ty cổ phần và ba doanh nghiệp tư nhân, hơn 1.000 hộ cá thể. Trong đó Công ty dệt kim Minh Phương trang bị 1.200 máy dệt và máy dát, hơn 400 lao động và khoảng 1.000 gia đình làm vệ tinh, với các sản phẩm: trang phục bằng len, bít tất, xuất khẩu tới 70-80% sản lượng hàng hóa làm ra.

 

Năm 2006, công ty đạt kim ngạch xuất khẩu 1,5 triệu USD, thị trường ổn định. Hàng mây tre đan của Quan Châm, huyện Chương Mỹ xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản... Có gia đình đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Làng nghề may, thú nhồi bông Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ là một trong những làng "trẻ" nhất, mới hơn mười năm tuổi, với 1.600 hộ làm nghề, tấp nập quanh năm, nhiều gia đình thu nhập 300-400 triệu đồng/năm, gần 50 hộ có ô-tô vận tải, một số hộ có cả ô-tô tải và xe khách.

 

Khi làng nghề Hà Tây vươn ra sản xuất hàng xuất khẩu cũng là lúc lọt vào tầm ngắm của ngành du lịch, trở thành điểm đến trong các tua lữ hành. Làng nghề Mây tre đan Phú Nghĩa, Chương Mỹ hằng năm có tới 5.000 đến 6.000 lượt khách tham quan, chủ yếu là người nước ngoài. Làng lụa Vạn Phúc ngày nào cũng xe ra xe vào, bán bán mua mua, không ít du khách tấm tắc, thán phục trước các bàn tay khéo léo, với sợi chỉ hồng đã nâng bổng cánh chim. Một số người còn hăng hái "xin thử tay nghề"...

 

Hướng đi này vừa vì sự thăng hoa của làng nghề, vừa vì sự phát triển du lịch bền vững mà Hà Tây có vốn "trời cho" để làm du lịch, du lịch về nguồn, du lịch sinh thái... cho nên quy hoạch làng nghề kết hợp du lịch đã thành chủ trương của tỉnh. Bước đầu, 10 làng nghề, là những làng nghề đã nức tiếng gần xa, được lấy làm thí điểm thực hiện Chủ trương này, đó là: Lụa Vạn Phúc (TP Hà Ðông), Mây tre đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Khảm trai Ngọ Hạ, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), May Trạch Xá, Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa), Dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Ðức); Tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín), Tạc tượng Sơn Ðồng (huyện Hoài Ðức), May, thú nhồi bông Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), Thêu Ðại Ðồng (huyện Phú Xuyên), Ðiêu khắc Dư Dụ, Thanh Thùy (huyện Thanh Oai). Theo đó, sẽ di dời các cơ sở sản xuất của làng nghề vào khu tiểu thủ công nghiệp theo cụm chuyên ngành, để đồng bộ hạ tầng: điện, đường, hệ thống cấp nước, xử lý nước, rác thải, chỉnh trang cảnh quan, bảo vệ môi trường; trang thiết bị công nghệ sản xuất tiên tiến... Nguồn vốn được thu xếp từ ngân sách địa phương cùng với đầu tư của doanh nghiệp, đóng góp của dân.

 

Theo dự kiến, cuối năm 2008, sản phẩm đầu tay của chủ trương nêu trên gồm ba làng nghề: Mây tre đan Phú Nghĩa, Khảm trai Ngọ Hạ, Tạc tượng Sơn Ðồng, sẽ bước vào làng du lịch.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục