Hành trang lữ khách

Thăng Long ngàn năm văn hiến

Cập nhật: 30/12/2009 09:12:37
Số lần đọc: 2928
Kể từ khi Lý Công Uẩn khai sinh ra đất Thăng Long trong bài chiếu dời đô đến nay đã gần tròn 1.000 năm. Từ Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội, mỗi một tên gọi đều ghi dấu nhiều sự tích đầy ấn tượng trong trang sử đấu tranh của dân tộc.

Tương truyền rằng, triều Lý khi đưa Kinh thành từ Hoa Lư về đây vì có điềm rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự của vua rồi bay lên cửa Đại Hưng nên nhân đó mới đặt tên là Thăng Long thành.

 

Thời Lý Công Uẩn, thành Thăng Long mở ra bốn cửa là Đại Hưng, Đông Hoa, Quảng Đức và Diệu Đức. Thăng Long xưa có núi Nùng ở giữa, “Nùng Sơn chính điện”, đó là cái rốn của rồng vàng. Trên núi có điện Kính Thiên, điện Vạn Thọ, hai bên tả hữu là nơi thường triều, còn bên tả điện Kính Thiên có 9 miếu. Sông Tô Lịch ở về phía đông, sông Nhị chảy từ bắc chuyển sang rồi vòng qua Thăng Long như chiếc đai ngọc đầy cây cối xanh tươi sau đó đổ nước vào hồ Tây.

 

Sông Nhị và sông Tô Lịch bao bọc từ bắc xuống nam như chiếc vành khuyên, chính giữa là hồ Tây. Nói đến Thăng Long - Hà Nội là phải nói đến cảnh đẹp kỳ ảo của hồ Tây. Tây Hồ là đệ nhất danh thắng của thủ đô, xưa kia trải qua các triều đại cũng là nơi hết sức sầm uất.

 

Quanh Tây Hồ có 61 phường, nổi tiếng nhất là phường Hồ Khẩu, phường Thụy Khê, phường Bái Ân, phường Thạch Lâm. Quanh hồ còn có nhiều lâu đài nguy nga tráng lệ như cung Thúy Hoa (nay là chùa Trấn Quốc), trường thi ở Quảng Bá, điện Hàm Quang... Từ hồ Tây vào cửa Đoan Môn phải qua điện Càn Nguyên nơi vua Lý coi chầu, điện Tập Hiền để hội các quan, điện Giảng Võ để thi võ nghệ. Cửa Phi Long thì thông ra cung Nghi Xuân, cửa Đan Phượng thì thông ra cửa Uy Vũ. Ở chính giữa là điện Cao Minh, đằng sau là điện Long Hoa, Long Thủy, ngoài ra còn có các cung Ngọc Bội, Thúy Hoa để cho các cung tần, mỹ nữ đến ở.

 

Ngoài hồ Tây, Hà Nội còn có hồ Gươm, hồ Bảy Mẫu... mỗi tên hồ gắn liền một sự tích kỳ thú.

 

Thăng Long còn có những công trình kiến trúc đẹp đẽ và nổi tiếng như chùa Một Cột, chùa Kim Liên, Văn Miếu, tháp Báo Thiên, đền Lý Quốc Sư... Những di tích của Kinh thành Thăng Long cổ kính còn lại là những báu vật từ ngàn xưa. 82 tấm bia đá ở Văn Miếu ghi khắc tên tuổi các vị tiến sĩ các thời. Nhiều văn nhân lỗi lạc ở Thăng Long cho đến bây giờ vẫn còn nhắc nhở như Chu Văn An, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Phạm Công Trứ, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích...Đến thời nhà Nguyễn, tên Hà Nội mới được khai sinh, tức tỉnh Hà Nội, bao gồm một phần Kinh thành Thăng Long xưa. 

 

Để kỷ niệm 1.000 năm lịch sử (1010-2010), thủ đô Hà Nội đang ra sức xây dựng thành một thành phố hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước.

Nguồn: Báo Bình Dương

Cùng chuyên mục