Hành trang lữ khách

Kết nối thiên đường du lịch

Cập nhật: 29/05/2008 15:05:09
Số lần đọc: 2317
Với lợi thế về cảnh quan, miền Trung có thể trở thành thiên đường du lịch nếu được quan tâm đầu tư và định hướng tầm nhìn chiến lược. Nằm ở cực Nam Trung bộ, Bình Thuận cũng là tỉnh phát triển mạnh về du lịch biển. Nhưng để kết nối thiên đường du lịch, địa phương cần phải nỗ lực nhiều hơn…

Ở nhiều tỉnh thành miền Trung, du lịch biển có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương. Thêm nữa, hầu hết những di sản thế giới nơi đây như: Phong Nha - Kẻ Bàng, cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn cũng đều nằm trên địa bàn ven biển. Tiếp nữa là bờ biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes (Mỹ) bầu chọn một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, vịnh Nha Trang lọt vào Top 29 vịnh đẹp nhất thế giới, Phan Thiết- Mũi Né được mệnh danh “thủ đô resort của Việt Nam”… Những tiềm năng và lợi thế đó đã hội đủ điều kiện để miền Trung trở thành thiên đường du lịch trong tương lai gần.

 

Xét trên toàn cảnh, du lịch biển ở Bình Thuận được đánh giá phát triển tương đối tốt dù là ngành còn khá non trẻ. Lượng khách đến địa phương tăng cao qua từng năm, hiện thời gian lưu trú bình quân là 5 ngày/khách quốc tế và khoảng 1,5 ngày/khách nội địa. Thực tế, du lịch biển Bình Thuận đang nỗ lực hướng tới đẳng cấp mang tầm quốc gia và quốc tế… Nhưng để kết nối thiên đường du lịch miền Trung, thì Bình Thuận phải khắc phục nhiều mặt yếu kém mà cho đến nay vẫn tồn tại như một thách thức. Đến thời điểm này địa phương vẫn chưa có một resort hay khách sạn nào được công nhận chuẩn 5 sao. Còn đội ngũ phục vụ trong ngành, phần lớn chưa qua đào tạo bài bản để đáp ứng yêu cầu mới. Được xác định là thế mạnh, song các dịch vụ về du lịch biển cũng còn thiếu và yếu, chưa thực sự làm hài lòng du khách. Vấn đề nan giải nữa là tình trạng đầu tư manh mún, mạnh ai nấy làm trong đầu tư phát triển gây tác động đến môi trường du lịch. Có chuyên gia Hiệp hội Du lịch Châu Á- Thái Bình Dương (PATA) cho rằng: Một vùng biển du lịch đẳng cấp quốc tế thì không thể chấp nhận sự xen lẫn giữa những resort cao cấp là nhà trọ, khách sạn mini hay “resort tự phong”…

 

Để tạo thương hiệu xứng tầm thiên đường du lịch, ngoài môi trường tự nhiên sạch đẹp được ưu tiên hàng đầu thì các tỉnh thành miền Trung còn quan tâm đến các yếu tố môi trường khác. Chẳng hạn môi trường văn hóa- xã hội cần được người dân thể hiện lòng hiếu khách và nhận thức đúng về du lịch. Hay như môi trường kinh doanh phải có sự hưởng ứng của các doanh nghiệp trong việc nâng dần chất lượng dịch vụ, nói không với nạn “chặt chém” và cạnh tranh thiếu lành mạnh… Nói về du lịch miền Trung, PGS. TS Phạm Trung Lương- Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng lĩnh vực này phải quản lý chuyên nghiệp, vì hiện tại, dường như các địa phương mới chỉ chú tâm khai thác những gì mình có. Thế nên, du lịch miền Trung rất cần một “nhạc trưởng” làm tổng chỉ huy để định hướng đầu tư phát triển. Do vậy ngành du lịch mỗi địa phương phải hướng đến quy hoạch và xây dựng thương hiệu thiên đường du lịch với những sản phẩm đặc trưng, mang đậm văn hóa Việt. Từ đó sẽ tiến hành kết nối để quảng bá, hấp dẫn du khách trong cũng như ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày một đông hơn.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục