Về Điện Bàn (Quảng Nam) ăn hến
Con thuyền du lịch từ sông Hàn (Đà Nẵng) đưa đoàn “du khảo” chúng tôi đến địa phận sông Ngân Hà, thuộc các xã Điện Ngọc, Điện Nam, Điện Thắng (Điện Bàn) xuyên qua những cánh đồng lúa chín vàng. Có đoạn, hai bên triền sông, những biền trồng bí đao, cà, ớt… xanh tốt mỡ màng. Con sông hiền hòa uốn khúc ẩn hiện sau những rặng tre xanh, bao bọc những xóm làng yên ả, thanh bình.
Theo tay người hướng dẫn, chúng tôi háo hức lên bờ, ghé vào một quán hến nằm sát mép sông ẩn trong rặng tre xanh. Gió từ sông lồng lộng thổi vào. Mươi phút sau, chủ quán mang ra các món hến xào, hến trộn xúc bánh tráng, cháo hến. Chủ quán vừa bưng hến vừa kể: Ngày trước, đi bắt hến phải cào, xúc, kéo nhủi dưới nước rất mệt và đau lưng. Do đó mới có câu ca: “Anh ơi mua giúp hến sông / Để em mua thuốc cho chồng đau lưng”.
Để có một món hến ngon, theo chủ quán, hến tươi đem về loại bỏ tạp chất, ngâm, lóng nhiều lần trong nước sạch. Khi luộc phải để nước sôi già mới cho hến vào. Gặp nóng đột ngột, hến mới tách hết vỏ. Dùng cái dầm nhỏ quấy đều cho ruột hến bong ra. Sau đó khử dầu phụng với vài tép tỏi, đợi khi bốc khói thơm lừng, đổ vào soong “hỗn hợp” hành tây, ớt chín đỏ thái mỏng, hến luộc đã tách vỏ, nêm gia vị vừa ăn, xào trộn đều, gia thêm đậu phụng rang giã dập, rau thơm… Xúc ra đĩa ăn khi còn nóng hổi.
Chúng tôi bẻ từng chiếc bánh tráng xứ Quảng nhiều mè, được nướng vàng ruộm, thơm giòn để xúc từng miếng hến trộn đưa vào miệng. Khách vừa ăn vừa ngắm cảnh sông nước hữu tình với những ghe thuyền của giới thương hồ ngược xuôi trên sông. Đặc biệt, ở đây không những giá rất rẻ (bát cháo hến lớn 7 nghìn đồng, đĩa hến hấp loại vừa 5 nghìn đồng). Sở dĩ có giá rẻ như vậy là nhờ các khâu cào hến, đãi hến đến khâu chế biến, mua gia vị… đều là người trong gia đình làm; mỗi người mỗi việc, họ rất chân tình, cởi mở. Vì thế quán hến tuy ở nơi hẻo lánh nhưng rất nhiều khách đến ăn, kể cả khách phương xa, khách nước ngoài, ăn xong còn mua về nhà.
Sau khi thưởng thức món hến, khách có thể nằm trên những võng được buộc vào những thân cây tre sát bờ sông để hóng gió mát lành, mơ màng nuối tiếc về những ngày xưa cũ bên bến sông quê đã xa xăm...