Du lịch về nguồn (Cao Bằng)
Do địa hình núi non nên hành trình hơi vất vả. Gần đến thị xã Cao Bằng đường bắt đầu dốc nhiều hơn, nhiều đèo núi quanh co khúc khuỷu, nhưng cảnh quan thì ngày càng hấp dẫn hơn. Đường có đoạn tốt, có đoạn toàn là đất, đoạn phình rộng nhưng đa số là đường hẹp.
Qua đèo Gió có những đoạn dốc cao đến chóng mặt. Dừng chân ở một điểm giữa hai ngọn núi trên đỉnh đèo Gió, chúng ta mới cảm nhận được cái tên đèo Gió vì gió thổi liên tục, thổi không ngừng, thổi lạnh cả người.
Chúng ta đến thị xã Cao Bằng, đô thị vùng cao này không ồn ào,sông Bằng Giang chảy xuyên qua thành phố vào mùa khô có những đoạn phơi đáy. Sau bữa ăn trưa với gà đồi, heo rừng và rau rừng, chúng ta tiếp tục hành trình đi hang Cốc Bó. Con đường vào khu di tích này đang được sửa chữa nên rất khó đi. Gần đến hang Cốc Bó, chúng ta sẽ nhìn thấy tấm bảng phía bên trái chỉ đường vào mộ Kim Đồng - một thiếu niên người dân tộc Nùng, một đội viên làm nhiệm vụ giao liên đưa đón cán bộ cách mạng, chuyển thư từ, một anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp.
Hang Cốc Bó thuộc di tích Pắc Bó, nơi Bác Hồ làm việc và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách thị xã Cao Bằng 55km và cách cột mốc biên giới 108 giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 1,5km đường núi. Pắc Bó có nghĩa là “miệng nguồn”- nơi vào mùa mưa là đầu nguồn của hàng trăm dòng suối đổ về. Trước khi vào đến hang Cốc Bó, chúng ta đi ngang qua suối Lê-nin, núi Các Mác. Con đường nhỏ hẹp dẫn vào hang tuy ngày nay đã được khang trang tươm tất cũng không xóa lấp dấu tích phản ánh những khó khăn, vất vả và gian khổ của con người trước cảnh núi rừng hiểm trở trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cốc Bó là một cái hang nhỏ, ẩm và lạnh, nằm sâu trong khe núi. Trong hang có một chiếc giường đá, một góc ánh sáng hắt vào động từ một miệng đá, đó là nơi Bác Hồ đã từng nghỉ ngơi và làm việc.
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Rất nhiều bài thơ của Bác Hồ, những bài thơ mà chúng ta từng học ở trường, được khắc ghi dọc theo con đường tham quan chung quanh khu di tích. Câu chuyện làm chúng ta cảm động nhất là hàng năm, cứ vào ngày 19/5, người dân tộc Choang thuộc Khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc, ở cách cột mốc 108 khoảng 2km kéo sang vui chơi múa hát, ăn mừng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nói lên sự tín nhiệm, sự cảm khái về công đức của Người và tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Thăm hang Cốc Bó, chúng ta mới cảm phục hơn về sức chịu đựng gian khổ thời kỳ chống Pháp của Bác Hồ và các chiến sĩ cách mạng.
Rời hang Cốc Bó, chúng ta đến thác Bản Giốc, cách thị xã Cao Bằng 91km thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Đoạn đường này đẹp và dễ đi. Nhìn từ xa vào buổi sáng, thác Bản Giốc thật đẹp mặc dù là đang mùa khô, nước không chảy mạnh lắm nhưng đủ làm du khách xao xuyến. Cảnh chèo, chống bè đưa khách tham quan thác tạo nên cảnh quan khác biệt so với cảnh quan ở các thác khác.
Thác Bản Giốc được đánh giá là một thác nước đẹp bậc nhất ở Việt Nam - tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng. Ở phía bờ sông bên này, cảnh quan đẹp nên thơ, không khí mát lành với thảm cỏ, rừng cây xanh ngắt, mây trắng bồng bềnh chen lẫn với vẻ thanh bình nơi làng quê của đồng bào các dân tộc miền núi. Bờ bên kia là nước láng giềng Trung Quốc. Thác Bản Giốc có độ cao 53m và rộng 300m, chia thành ba tầng, gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá, tạo thành một màn bụi nước trắng xóa. Giữa thác có một mô đá rộng phủ đầy cây xẻ thành ba luồng nước như ba dải lụa trắng. Vào những ngày hè oi ả, không khí ở đây vẫn mát lạnh và vào mỗi ban mai, ánh mặt trời chiếu qua làn hơi nước tạo thành dải cầu vồng lung linh huyền ảo. Thác Bản Giốc từng được nhiều nghệ nhân, nhiều nhà nhiếp ảnh sáng tác thành những bức ảnh đặc sắc, nổi tiếng.
Bữa ăn trưa trên dòng suối ở thác Bản Giốc khá thú vị. Chúng ta chuẩn bị tươm tất từ rau cải tươi đến món ăn nguội. Tất cả đều được bày trên bè. Mọi người vừa thưởng thức bữa ăn, vừa nghe tiếng thác reo, cảm nhận không khí mát lạnh từ nước bắn tung tóe. Do là thác chung giữa hai quốc gia nên có rất nhiều khách du lịch Trung Quốc chống bè tham quan xen lẫn với bè của khách du lịch Việt Nam.
Cao Bằng có nhiều điểm du lịch khác không thể bỏ qua như là hang Pắc Bó, khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, động Ngườm Ngao (hay còn được gọi là hang hổ) thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh là thế giới của nhũ đá thiên nhiên...
Dù với cự ly quá xa đối với khách du lịch đến từ vùng phía Nam của Tổ quốc nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được sự thú vị và hấp dẫn của các tuyến điểm du lịch vùng núi Đông Bắc, những nơi ghi công đức của những người đã khai phá, đấu tranh cho đất nước Việt Nam phồn vinh, tươi đẹp như ngày nay.