Khi “nghệ nhân” nông dân làm du lịch
Danh tiếng làng rau 500 năm tuổi
Tấm biển lớn ngay bên con đường liên xã đưa chúng tôi tới làng rau Trà Quế nổi tiếng vì có trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị như diếp cá, xà lách, cải xanh, húng, hành, ngò, rau mùi, rau đắng, dền, mướp, mồng tơi, hẹ, cần, quế... Phần lớn các loại rau ở đây đều nhỏ, không to, dày như rau ở vùng khác. Người sành ăn thường chọn các loại rau Trà Quế trong một bữa ăn, khi ấy mới được xem là ngon khi hội đủ năm vị ngọt, cay, đắng, chát, chua.
Nói về nghề truyền thống của làng, dì Nguyễn Thị Thời gần ở tuổi 60 cho biết, bao thế hệ gia đình dì đều lớn lên và trưởng thành nhờ nghề trồng rau. Vừa xới luống đất chuẩn bị gieo hạt cải, dì Thời vui vẻ đọc câu ca dao, bằng cái giọng Quảng rặt: “Ai về Trà Quế thì về. Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh. Buổi mai đi bán củ hành. Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm...”. Với người dân, nặng lòng với rau, với nghề trồng rau dường như đã là máu thịt của mỗi con người.
Chẳng thế mà, lễ hội Cầu Bông ở Trà Quế Cứ vào dịp đầu năm bao giờ cũng được mở màn bằng hội thi chọn những nông dân giỏi kỹ thuật cuốc đất, vun luống, chăm tỉa và trồng các loại rau thơm. Hội làng nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu chính là hình thức tri ân của người dân đối với các bậc khai cơ lập nghiệp.
Làng rau Trà Quế hiện có khoảng 131 hộ tham gia sản xuất, chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích 40 ha. Nhà nào cũng ít nhất một sào trồng rau. Trồng rau đã trở thành một thứ nghề “gia truyền” và quả thật ở làng quê này chưa bao giờ người nông dân để cho đất “nghỉ”.
Những “nghệ nhân” nông dân
Rau Trà Quế không chỉ có vị thơm, ngon mà còn đẹp nữa. Trên khu đất rộng 500 m2, dì Thời trồng nhiều loại rau, mùa nào rau đấy. Dì bảo, nông dân Trà Quế bây giờ có thể tự tạo nguồn hạt lấy giống, không cần phải mua giống bên ngoài như trước nữa. Quanh năm có đủ các loại giống rau thơm ngon. Hệ thống tưới tiêu ở cánh đồng rau cũng được xây dựng rất hợp lý. Khu đất trồng rau của nhà nào cũng có một bể chứa nước tưới. Cách trồng và chăm sóc truyền thống được người làng rau Trà Quế áp dụng vào sản xuất cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất rau sạch theo quy trình khép kín. Đó phải chăng là “nghệ thuật” trồng rau của những “nghệ nhân” nông dân Trà Quế.
Không sử dụng phân bón hay các loại thuốc tăng trưởng, rau xanh Trà Quế mang mùi vị đậm đà hơn các loại rau khác nhờ được trồng trên đất đai màu mỡ và được chăm bón, cải tạo đất bằng một loại rong được vớt từ các đầm rong Trà Quế. Rong ở đây có cả gần chục loại khác nhau như rong cây, rong chồn, rong chèo, rong vịt. Chỉ cần vớt rong lên rồi lót thẳng vào luống đất trồng rau, không cần thêm phân tro. Theo các “nghệ nhân” nông dân, rong cây trải giữa luống sẽ làm xà lách ngọt cây và dày lá, rong chèo chôn vào đất rồi trồng rau quế, húng ở trên sẽ nhỏ cây và đậm mùi thơm. Đặc biệt, các giống rau Trà Quế khi trồng vùng khác sẽ giảm mùi hương.
Chiều nào cũng vậy, người trồng rau ra cánh đồng để cắt và xếp rau vào những bao tải, gói hàng lớn. Những xe ô tô chở rau theo những người dân và lái buôn đi khắp các chợ, nhà hàng trong tỉnh.
Trà Quế còn cung cấp khoảng 1,2 tấn rau/tuần cho công ty Metro Việt Nam tại Đà Nẵng và là nguồn cung ứng rau cho những siêu thị lớn của khu vực miền Trung và miền Nam.
Thu nhập của người dân làng rau ngày càng cao còn nhờ bán rau tươi qua mạng internet. Mỗi năm, làng rau Trà Quế xuất ra thị trường khoảng từ 150 đến 200 tấn rau sạch. Nhẩm tính, mỗi năm, một sào rau nơi đây cho tổng thu nhập 18 triệu đồng, trừ các chi phí đầu tư, lãi ròng khoảng 12 triệu đồng, gấp 10 lần so với trồng lúa.
Nông dân “bắt tay” làm du lịch
Vài năm trở lại đây, khi ngành du lịch Hội An, di sản thế giới phát triển mạnh, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phối hợp với các “nghệ nhân” làng rau Trà Quế tổ chức tour phục vụ du khách theo kiểu “homestay”. Với tour du lịch có tên “Một ngày làm cư dân vùng di sản”, các hộ nông dân làm du lịch bằng cách tạo cơ hội cho khách làm… “nông dân”.
Du khách xắn tay áo cùng chủ nhà của làng rau ủ rong dùng làm phân hữu cơ, cuốc đất tơi, đánh luống thẳng, đâm lỗ, trỉa hạt, trồng rau, bón phân, tưới nước bằng xoa… Mỗi người chọn một dụng cụ lao động tùy thích.
Anh “nông dân” cao lớn Simon đến từ Australia với quần xắn cao tận đầu gối, lom khom lúng túng gánh thùng nước lên vai. Nước bắn lên tung toé nhưng anh vẫn có vẻ hào hứng, anh nói: “Thật thú vị. Người dân ở đây rất thân thiện và hiếu khách. Tôi có những kỷ niệm khó quên khi được làm việc và cảm nhận nét thanh bình và trong lành của làng quê Việt Nam”.
Sau một hoặc hai giờ đồng hồ làm “nông dân”, những luống đất xiêu vẹo được hình thành, những hàng cây lô xô được trồng mới. Và với đôi tay lấm lem bùn đất, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt nhưng có lẽ bất cứ du khách nào cũng thấy vui vẻ và hài lòng.
Những “nông dân” này còn được thưởng thức nhiều món ăn chế biến từ các loại rau xanh Trà Quế và nhiều đặc sản của Quảng Nam như bánh đập, bánh vạc, hến trộn, tôm hữu, mì Quảng, cao lầu Hội An... Thậm chí, chủ nhà chiều lòng khách khi mắc võng hoặc kê chõng tre ngoài vườn cho khách nghỉ ngơi, trong không gian tĩnh lặng của làng quê.
Làng rau Trà Quế trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, nhất là từ khi nằm trong các tour du lịch làng nghề và sinh thái của tỉnh Quảng Nam. Mỗi năm, làng rau này đón hơn 2.000 khách du lịch quốc tế và hàng chục đoàn khách tham quan, học tập mô hình làm rau sạch đến từ nhiều địa phương trong cả nước.
Từ cây xóa đói giảm nghèo, cây rau đã làm giàu cho người dân Trà Quế. Các “nghệ nhân” nông dân nơi đây có cuộc sống sung túc, no đủ, con cái có nhiều điều kiện học hành, tất cả nhờ vào... rau. Mỗi người làng rau cũng nhận được từ 70 đến 100 nghìn đồng cho mỗi buổi hướng dẫn (khoảng 2-3 giờ) trong các tour du lịch.
Nông dân Trà Quế giờ còn dành thời gian đi học tiếng Anh giúp thuận lợi giao tiếp với khách. Một số cơ sở tại Hội An đang tiến hành nghiên cứu các tác dụng của một số loại rau Trà Quế như chiết xuất tinh chất từ cây quế, húng…để đưa vào các phương pháp trị liệu.
Với mục đích tăng sản lượng rau, cung cấp cho các địa phương trong cả nước, chính quyền thị xã Hội An có kế hoạch mở rộng thêm khoảng 10ha đất sản xuất tại làng rau Trà Quế. Hơn nữa, cùng với việc xúc tiến thủ tục đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa tập thể, một website riêng cho rau Trà Quế cũng đang được các hộ trồng rau xây dựng.
Sản phẩm rau Trà Quế chắc chắn sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, không chỉ trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế mà còn là thương hiệu cho một vùng đất di sản của Việt Nam.