Non nước Việt Nam

Hát Then - Giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Tày

Cập nhật: 26/07/2010 10:07:50
Số lần đọc: 4240
Then là một hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Tày, ra đời và gắn bó với sự hình thành, phát triển tộc người Tày, phản ánh hiện thực đời sống xã hội người Tày.

Trong đời sống xã hội người Tày, then có nhiều giá trị văn hoá: Then phản ánh hiện thực xã hội ở các giai đoạn lịch sử, phản ánh thế giới tâm linh của các giá trị gia đình truyền thống; đồng thời còn phản ánh sự đa dạng của văn hoá Tày hay cũng có thể nói then chính là sự tích hợp những giá trị văn hoá nghệ  thuật đặc trưng của người Tày, tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng với môi trường diễn xướng mang đậm màu sắc tâm linh, thông qua các thể loại độc tấu, song tấu, hoà tấu, hỗn tấu cùng cây đàn tính...

 

Ra đời trong dân gian, gắn với đời sống của dân gian nên lời hát then là sự phản ánh chân thực cuộc sống của người dân miền núi, mà trước hết là môi trường tự nhiên - xã hội của người Tày. Chúng ta có thể nhận thấy làng bản và cuộc sống sinh hoạt lao động sản xuất của người Tày hiện lên rất quen thuộc trong các câu then: Đầu bản có giếng nước nguồn, trên cánh đồng có nơi thả vịt, có đàn lợn, đàn trâu thả rông...

 

Then cũng gắn liền và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Tày. Một số thầy then đã sơ đồ hoá con đường lên mường Trời của họ mà qua đó mường Trời hiện lên chẳng khác gì mường Đất. Nó cũng bao gồm cảnh vật, rừng núi, chim muông, sông suối, chợ búa buôn bán làm ăn chẳng khác gì dưới trần gian. Nhiều chương, đoạn trong lời hát then đã miêu tả khá sinh động về một không gian miền núi đầy chất hoang dã thuở trước: Núi rừng âm u rậm rạp nhiều thú hoang, rắt rết, ve kêu, vượn hú, đường đi khúc khuỷu, lên thác, xuống ghềnh... Lễ vật mà họ dâng cúng tiến mường Trời là những sản vật do họ tự nuôi trồng, săn bắt hái lượm được.

 

Trong lễ cấp sắc của người Tày, lễ cầu an đầu năm, lễ chúc thọ cha mẹ v.v... Then là hình thức cơ bản để phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những mong muốn rất bình dị của người nông dân: Có thóc gạo, trâu bò, gà vịt đầy nhà; cha mẹ già trường thọ; gia đình hoà thuận yên vui, con cái hiếu thảo trưởng thành; người làm nghề cúng bài thì được linh nghiệm, được dân làng tín nhiệm mang lại vẻ vang cho gia tộc...

 

Bên cạnh đó, trong then còn có nhiều nội dung phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người. Thông qua nghệ thuật sắp xếp ca từ, then đã khắc hoạ nên những hình tượng nhân vật tương phản: Trai đần - trai giỏi, gái lười - gái chăm, với ý nghĩa răn đe, giáo dục người đời. Để khuyên răn con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, then  ca ngợi tình mẫu tử qua kể chuyện thằng cu Vỉnh. Để khuyên răn chị em gái, mẹ chồng nàng dâu không nên cãi lộn, tranh chấp nhỏ nhặt, tranh vợ cướp chồng, then kể về cuộc sống buồn tẻ, cô quạnh của họ sau khi chết lên đến mường Trời. Để ca ngợi tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung, then miêu tả cuộc chia tay đầy cảm động của đôi vợ chồng suông trong chương Khảm hải (Vượt biển)... Then cũng bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc với những số phận không may mắn, như những người tật nguyền, người chết thảm, những trẻ mồ côi, những cô gái xinh đẹp nhưng bị ép duyên hoặc phận mỏng v.v...

 

Có thể nói, then hội tụ những giá trị văn học dân gian truyền thống của người Tày với các thể loại truyện kể, truyền thuyết, các câu thành ngữ, tục ngữ đã được chau chuốt, gọt giũa mà qua đó đã làm sáng tỏ được nhân sinh quan và quan niệm về đạo đức của người Tày. Điều quan trọng ở đây là thông qua việc phê phán, khuyên răn, ca ngợi thực tiễn cuộc sống bằng hình thức diễn xướng hát có đệm đàn, then đã đạt được hiệu quả tích cực trong giáo dục cộng đồng mà không phải hình thức tuyên truyền nào cũng làm được.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT