Non nước Việt Nam

Hội chọi bò của người Mông Nghệ An

Cập nhật: 28/07/2010 14:48:37
Số lần đọc: 2453
Chọi bò là thú chơi không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Mông xã Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An). Hằng năm, vào các ngày lễ hội người dân nơi đây thường tổ chức chọi bò.
 
Anh Lỳ Pà Chò, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống cho biết: Nghe các già làng kể lại văn hóa chọi bò của đồng bào Mông bắt đầu hình thành vào khoảng năm 1925 cho đến nay và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thường ở Mường Lống, nhà nào kinh tế khá trở lên mới dám đầu tư nuôi bò chọi. Vì ngoài giá bò chọi cao, cách nuôi nấng, chăm sóc đòi hỏi công phu và tốn kém. Vì thế, những người yêu thích bò chọi khăn đùm khăn gói sang các bản làng xa xôi để tìm kiếm bò chọi mang về Mường Lống.

Giá mỗi con bò bình thường từ 10 đến 15 triệu đồng, nhưng giá bò chọi có khi 20 đến 25 triệu đồng, bò tốt hơn có thể giá lên tới 30 triệu đồng. Bò chọi khi được đưa về thường nuôi nhốt chứ không thả rông ngoài núi đồi. Bò phải nhốt trong chuồng chật hẹp làm bằng ván gỗ, phía dưới có sàn để chống hơi đất.

Việc nhốt bò vào không gian chật hẹp là để bò có bốn bắp chân to, khỏe mạnh, hơn nữa việc cấm cung như vậy tạo cho bò có tính khí nóng nảy, sẵn sàng nghênh đấu mỗi khi gặp đối thủ.

Ngoài cỏ thơm ngon được lựa chọn trong rừng, gia chủ còn phải cho bò ăn cháo gạo, ngô, khoai, cám trộn mật mía. Nếu thấy bò có hiện tượng béo phì thì phải giảm khẩu phần ăn. Vài ba tháng dắt bò ra bãi cho đấu thử với một số bò thường xung quanh.

Chọi bò, đồng bào Mông nơi đây xem như một ngày hội của dân làng, không những ở trong xã mà bà con lân cận khắp nơi trong các bản làng ở Kỳ Sơn từ già đến trẻ dù mưa hay nắng, đi lại khó khăn cũng phải đến tận mắt chứng kiến.

Bãi chọi thường là khoảng cỏ rộng hoặc là những thửa ruộng bằng phẳng liền nhau vừa thu hoạch lúa. Ngay từ sáng sớm, bà con đã tụ tập đông đủ với trang phục màu sắc sặc sỡ đổ về khu vực chọi bò.

Hàng chục con bò to khỏe đã được chủ chăn dắt đến đợi sẵn. Những người chủ hãnh diện đi bên những con bò chọi to cao lực lưỡng nghênh ngang khu vực diễn ra trận đấu. Tiếng trống, tiếng khèn của bà con vang lên cả một góc rừng cổ vũ trận đấu giữa hai con bò trên đấu trường.

Điều đặc biệt, trên đấu trường, Ban tổ chức chọn ra một đội trọng tài kiêm luôn bảo vệ mỗi khi bò làm loạn trường đấu. Kinh nghiệm của nhiều người ở đây cho biết: Muốn cho bò thi đấu hăng, rất cần sự cổ vũ của người xem, cổ vũ càng mạnh thì bò thi đấu càng hăng.

Ông Và Bá Dìa, cán bộ Phòng văn hóa huyện Kỳ Sơn cho biết, đồng bào người Mông luôn xem chọi bò là một nét đẹp văn hóa. Mỗi trận đấu diễn ra là một ngày hội của dân làng khắp trong bản ngoài mường.

Nguồn: Website Đất Việt

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT