Non nước Việt Nam

Lễ cúng Yang Kol của người Mạ ở Đồng Nai

Cập nhật: 27/07/2010 17:17:09
Số lần đọc: 2321
Dân tộc Châu Mạ được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Chau Mạ, Chê Mạ, Mạ Ngan, Mạ Xôp, Mạ Tô, Mạ Xrê… Họ sống tập trung tại Tà Lài (huyện Tân Phú-Đồng Nai) …

Trong một năm, người Mạ có rất nhiều lễ cúng. Quan trọng nhất là lễ cúng Yang Bơnơm và Yang Koi với sự tham gia đông đảo của cộng đồng. Yang Bơnơm thường được tổ chức cúng vào cuối năm âm lịch. Một ngọn núi được xem là linh thiêng là nơi thần linh ngự trị sẽ được chọn để làm lễ. Người cúng là người có uy tín trong cộng đồng thay mặt dân làng hành lễ, cầu xin phúc đến họa trừ cho mọi người.

 

Lễ cúng Yang Koi là lễ cúng lớn nhất của người Mạ. Thời gian cúng thường vào tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch, khi mà người Mạ đã thu hoạch xong mùa màng (tương tự lễ cúng Yang-va của người Chơ-ro). Trước đây lễ cúng được tổ chức tại nhà dài nhưng gần đây do kết cấu cộng đồng có sự thay đổi nên mỗi nhà tùy theo điều kiện tự tổ chức.

 

Để tổ chức lễ cúng, đàn ông Mạ vào rừng chọn những cây tre cao, thẳng đem về khoảng sân để hành lễ. Họ lấy hai cây tre non cao từ 3 đến 4 mét chẻ ngọn thành các nhánh được trang trí bằng những hình vuông với các chùm bông tỉa ra. Chính giữa cây tre cắm chùm gai mây tượng trưng cho bông lúa. Những hoa văn hình học trên các vật trang trí thể hiện qua các tay dan, các dây nối kết từ gốc đến ngọn thẳng lên trời cao. Cây tre được phân chia thành nhiều nấc với các hình vuông, tròn bao trùm và tỏa xuống phía dưới gốc có nhiều dây trang trí các hình tượng con dê bằng lạt tre rất sinh động. Hai cây tre này được chôn trước sân, ở mỗi bông xòe ra cài một chén cơm nhỏ. Dưới gốc cây tre là những chóe rượu cần được bày sẵn. Lễ vật thùy theo điều kiện kinh tế của buôn làng mà già làng đứng ra làm chủ tế. Ở từng hộ riêng, tùy khả năng mà gia chủ giết gà, vịt, heo, dê hoặc trâu để làm lễ cúng và gia chủ tự cúng, không mời Thầy Cúng hoặc Bà Bóng.

 

Lời khấn vái có nhịp điệu, tiết tấu nội dung cụ thể và không có tính van lơn như lời khấn vái của người Kinh: “Ơ Thần Lúa! Lúa dưới nước, dưới bùn hãy về nhà tôi ăn gà vịt với tôi. Đây là lần cuối tôi thu được mùa. Tôi lạy Thần Lúa, Thần Đất đã cho tôi được mùa vừa qua” hoặc “Năm nay tôi uống mừng lúa. Tôi cúng heo cho Thần Lúa mong cho lúa ăn đừng hết. Tới năm sau làm nữa thì có nữa. Mong Thần Lúa đứng làm cho tôi đói, tôi làm rẫy có cơm ăn. Tôi mời Thần Lúa ăn con heo, uống rượu, ăn cơm nếp. Tôi mừng Thần Lúa. Tôi ăn đến mùa tới. Sang năm tôi lại làm ba lần cho Thần Lúa ăn. Trước tháng 4 cúng con gà. Bắt đầu tháng 7 cúng Thần con vịt. Tháng 11 tôi có lúa nhiều, tôi cúng Thần Lúa con heo. Năm nay Thần Lúa cho tôi ăn, tôi làm nữa để lại có cơm ăn…”

 

Sau lễ cúng, mọi người cùng chung vui dự tiệc. Đêm xuống họ đốt lửa vui ca nhảy múa, thể hiện sức mạnh qua các trò chơi của thanh niên… Nhạc cụ hòa nhịp theo các bài hát, điệu nhảy múa. Theo truyền thống, việc vui chơi kéo dài đến 3 ngày đêm, có khi cả tuần lễ. Nhưng ngày nay thường diễn ra trong một ngày đêm. Dẫu quy mô, nghi thức đã giản tiện hơn trước đây nhưng lễ cúng Yang Koi vẫn được tôn trọng trong đời sống tâm linh dân tộc Mạ. Đây là lễ cúng mà người Mạ quan niệm rằng vị thần này liên quan trực tiếp đến lương thực của cuộc sống cộng đồng họ.

 

Theo truyền thống người Mạ thường hay làm lễ đâm trâu. Cứ 3 năm một lần làm lễ hiến sinh là con trâu đực béo tốt. Đôi mươi năm gần đây dù không diễn ra theo định kỳ nhưng có nơi đồng bào vẫn bảo lưu lễ thức này vào những dịp làng gặp may mắn, bội thu vụ mùa.

 

Sau mùa thu hoạch, già làng mời các vị lớn tuổi trong làng họp để bàn về lễ đâm trâu. Mọi việc được thống nhất và khoảng một tháng sau thì già làng họp lần nữa và quyết định ngày tiến hành. Họ chuẩn bị trong vòng 7 ngày. Lễ hội thường diễn ra ở cánh đồng gần làng hoặc nơi rộng rãi và bằng phẳng. Họ dựng hai cây nêu bên trên có gắn biểu tượng hình bông lúa được buộc các tua xanh đỏ. Một con trâu đực được kết hoa ở trên đầu đóng cột vào cây nêu. Họ đốt đống lửa to, bên cạnh đàn ông đánh đồng la, đàn bà hát múa, các cụ già thổi kèn bầu, kèn môi… Họ đi vòng quanh theo con trâu. Sau đó già làng đại diện cho cả Bon cầm chà gạc chém bên chân trái con trâu, trâu đi thêm vài vòng nữa. Nam nữ thanh niên nhảy múa sôi động, cồng chiên đánh inh ỏi. Già làng lại chém tiếp chân bên phải. Lúc này con trâu chỉ còn lê được hai chân trước. Vài vòng sau họ chém nốt hai chân còn lại. Sau đó già làng dùng giáo đâm vào ức con trâu. Trâu chết họ bỏ lên đống lửa thui chín. Một nửa con trâu được xẻ ra từng miếng nhỏ chia đều cho từng thành viên trong các hộ gia đình ở làng, nửa còn lại xẻ ra ăn uống tại sân lễ. Họ uống rượu cần, ăn bánh nếp mà mỗi nhà mang tới cùng góp chung vui. Thường là sau 3 ngày thì lễ hội kết thúc nhưng các vị lớn tuổi trong làng ăn uống cho tới ngày thứ bảy mới thôi.

Nguồn: website svhtt- Đồng Nai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT